Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2011

(Dân trí) - Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết: Ngay từ đầu năm 2011 phải xác định cơ chế điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng, công khai, minh bạch và thực hiện xuyên suốt trong cả năm 2011, nhằm kiểm soát tốt lạm phát.

Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2011 - 1
Giải bài toán về lạm phát luôn khó với nền kinh tế Việt Nam (ảnh minh họa)
 
Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia vừa có cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch hội đồng. Đây là phiên họp cuối năm 2010 của hội đồng nhằm tập trung đánh giá công tác điều hành, tham mưu và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2010; các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2011 mà Quốc hội đã đưa ra.
 
Đánh giá về năm 2010, các thành viên hội đồng đều thống nhất nhận định: Việt Nam đã thành công trong việc đạt được một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2010 mà Quốc hội đã đề ra, nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát chưa thực hiện được, cán cân thanh toán vẫn thâm hụt (mặc dù mức độ thâm hụt có giảm rõ rệt so với năm trước). Tuy nhiên, các thành viên đều cho rằng 2010 là năm nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi.
 
Trong tình hình kinh tế, chính trị của các nước trên thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đã hoàn thành tốt một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã đề ra, điều này khẳng định công tác định hướng và điều hành của Chính phủ trong năm qua là đúng đắn. Đây là nền tảng, tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam năm 2011 tiếp tục phát triển, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế mà Quốc hội đã thông qua.
 
Các thành viên hội đồng cũng dành thời gian tập trung phân tích sâu về các nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc tỷ lệ lạm phát tăng khá cao trong cả năm 2010 (tăng 11,75%), đặc biệt trong những tháng cuối năm. Đến quý III/2010, về cơ bản, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát nhưng sang quý IV/2010, lạm phát tăng cao ngoài khả năng dự đoán.
 
Nguyên nhân chính là xuất phát từ những nhân tố khách quan như sự bất ổn kinh tế, giá cả thế giới và một số yếu tố chủ quan nội tại của nền kinh tế. Trong năm 2010, giá cả một số hàng hóa thiết yếu thế giới tiếp tục tăng cao (giá dầu thô và giá xăng, gas tăng, sắt thép, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng do kinh tế thế giới phục hồi, giá cả nguyên vật liệu tăng trên 10%), giá vàng biến động mạnh…
 
Về định hướng điều hành trong năm 2011, trên cơ sở đánh giá thực trạng nền kinh tế cũng còn nhiều bất ổn, nhiều khó khăn cả về kinh tế và xã hội mới xuất hiện, cũng như rút kinh nghiệm điều hành năm 2010, hội đồng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần đặt mục tiêu hàng đầu trong điều hành đó là ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phấn đấu theo chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt, đảm bảo phát triển theo chiều sâu gắn liền với hiệu quả và chuyển dịch một bước cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
 
Đối với các chính sách vĩ mô chủ yếu, hội đồng cũng đã thống nhất đề xuất Chính phủ định hướng điều hành trong năm 2011. Về chính sách tiền tệ, tiếp tục điều hành một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng. Bám sát các quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, ngay từ đầu năm 2011 phải xác định cơ chế điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng, công khai, minh bạch và thực hiện xuyên suốt trong cả năm 2011.
 
Chủ động, linh hoạt sử dụng các công cụ thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước như lãi suất, tỷ giá, thay thế dần công cụ hành chính bằng công cụ thị trường để kiểm soát lạm phát; ổn định tiền tệ và an toàn hệ thống; bảo đảm thanh khoản nền kinh tế, lưu thông thông suốt cả nội tệ và ngoại tệ; nâng cao hiệu quả, hoạt động của thị trường liên ngân hàng qua đó điều tiết thị trường; điều hành lãi suất hiệu quả nhằm tạo ra mặt bằng lãi suất hợp lý, phản ánh đúng cung - cầu vốn thị trường và góp phần kiểm soát lạm phát; minh bạch thị trường tiền tệ, tạo môi trường hoạt động bình đẳng, thuận lợi cho mọi loại hình tổ chức tín dụng.
 
Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu của thị trường; đảm bảo tỷ giá phản ánh đúng sức mua của đồng nội tệ; lãi suất đồng Việt Nam và lãi suất ngoại tệ ở mức hợp lý. Đồng thời, nghiên cứu, có biện pháp nhằm nâng cao lòng tin của người dân vào đồng Việt Nam, giảm dần thói quen sử dụng vàng và ngoại tệ của người dân, nhưng không gây xáo trộn thị trường…
 
An Hạ