Kiểm soát lạm phát nên dừng ở mức một con số
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TPHCM trong tháng 9 đều tăng mạnh và đột biến so với hai tháng trước gây e ngại rằng CPI cả nước trong tháng 9 và những tháng cuối năm sẽ tăng cao.
Nhiều người dự báo rằng CPI cả nước trong tháng 9 sẽ xấp xỉ 1% trên cơ sớ CPI của Hà Nội và TPHCM đều tăng cao. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi chưa có số liệu về CPI cả nước trong tháng 9. Mọi năm chỉ số giá cả nước thường nằm giữa chỉ số của Hà Nội và TPHCM, nhưng năm nay theo quan sát của tôi trong các tháng trước thì CPI hai thành phố lớn không chi phối gì đến chỉ số giá cả nước, có thể do cách lấy giá và tính toán của Tổng cục Thống kê.
Hai tháng trước CPI tăng thấp nhưng tháng 9 này tăng cao là do khuyến mãi hàng điện tử và giá một số loại thực phẩm tăng. Trong tháng 9 có nhóm dịch vụ giáo dục tăng cao nhưng chỉ mang tính thời điểm, đến tháng 10 là hết. Riêng tôi, tôi dự báo CPI tháng 9 của cả nước chỉ xấp xỉ mức 0,5%.
Như vậy, không nên quá e ngại về lạm phát cao trong năm nay, thưa ông?
Chưa thể nói như vậy vì còn có khá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình hình lạm phát trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, quí 4 sẽ là quí chịu tác động tích góp của cả năm và chịu áp lực của cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ.
Ngay từ tháng 9, giá nhiều mặt hàng sau đợt điều chỉnh đã giữ luôn mức cao. Gần đây, giá vàng thế giới biến động lên mức cao kỷ lục, theo lý thuyết thì đó là một trong biểu hiện của việc lạm phát toàn cầu có thể xảy ra. Gần đây, giá một số mặt hàng như gạo và cà phê trên thế giới tăng lên, làm ảnh hưởng lạm phát trong nước. Đợt điều chỉnh giá thép trong nước vừa rồi còn sớm hơn cả dự tính của Hiệp hội Thép cũng là một ví dụ.
Từ giờ đến cuối năm, chắc chắn nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng, kể cả nhập khẩu cho đầu tư và cho tiêu dùng. Các ngân hàng gần đây tăng mạnh giá bán USD sau đợt điều chỉnh tỷ giá, đồng thời lãi suất USD cũng tăng mạnh và giá USD ở thị trường tự do cũng lên cao hơn ngân hàng, chứng tỏ nhu cầu ngoại tệ đang tăng, vì vậy áp lực lạm phát là rất lớn.
Về vĩ mô, chính sách chi ngân sách và tiền tệ sẽ tác động đến lạm phát, đặc biệt trong những tháng tới. Thường vào thời điểm cuối năm nước ta sẽ tăng cường chi ngân sách. Còn chính sách tiền tệ, nếu theo xu thế hiện tại, tăng trưởng tín dụng tháng 8 là 3% theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, thì cả năm tăng trưởng tín dụng sẽ vượt mức 25%.
Nhiều người đã quên mục tiêu 25% là trần tăng tín dụng chứ không phải là sàn. Năm ngoái tăng tín dụng đến 37% nên năm nay đặt mục tiêu không quá 25% để kiềm chế lạm phát nhưng nhiều người lại lầm đó là mục tiêu phải vượt qua để tăng trưởng kinh tế. Đây là hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Theo tôi, tăng trưởng tín dụng mới hơn 16% mà tăng trưởng kinh tế đã đạt mục tiêu 6,5% rồi, thì cũng không quá cần gấp rút tăng tiếp tín dụng vì sẽ tác động đến lạm phát.
Dự báo của ông về lạm phát cả năm 2010 thế nào?
Quan điểm của tôi là lạm phát 7% hay 8% không quan trọng, vì nó cũng không có căn cứ. Nước ta đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát chủ yếu là căn cứ vào lạm phát năm trước và cũng theo cảm tính là chính.
Lạm phát cả năm 2010 cũng khó dự báo vì có chịu tác động từ giá cả thế giới, mà xu thế của thế giới hiện cũng không rõ ràng. Nếu kinh tế thế giới phục hồi thì chắc chắn giá cả sẽ tăng, nhưng có dẫn đến lạm phát hay không thì còn phụ thuộc vào lượng tiền mà các nước đã sử dụng để cứu trợ cho khủng hoảng bây giờ tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu. Cho đến bây giờ điều này vẫn chưa rõ. Còn nếu kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng kép như nhiều người lo ngại thì giá cả sẽ đi xuống.
Theo tôi, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay nên dừng ở mức một con số, đừng để tăng lên hai con số sẽ gây ấn tượng xấu cho cả một giai đoạn phát triển và sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn sau.
Quan điểm của tôi là nước ta sẽ có thể kiểm soát được lạm phát trong những tháng cuối năm. Ngân hàng Nhà nước trong chừng mực nào đó đã công khai sẽ không làm mọi cách để tăng tín dụng đến 25%, và theo hướng đó tôi nghĩ chúng ta sẽ kiềm chế được lạm phát.
Xin cám ơn ông!