Trà Vinh:

Kiếm bạc triệu nhờ trồng cây hoang dại

(Dân trí) - Mấy năm nay, nông dân ở xã Đức Mỹ, Đại Phước (Càng Long, Trà Vinh) chuyển từ trồng lúa sang trồng cói (lác) đạt hiệu quả rất cao. Từ loại cây hoang dại này mà nhiều nông dân kiếm bạc triệu sau mấy tháng trồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Bà Lê Thị Mỹ, ngụ ấp Thượng (xã Đại Phước, Càng Long) canh tác 3.000 m2 đất trồng cói mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bà Mỹ cho biết: “Trước đây vùng đất này bị phèn, trồng lúa hay bị mất mùa, có khi rớt giá chịu cảnh thua lỗ. Gần chục năm nay bà con nơi đây chuyển qua trồng cói đạt hiệu quả rất cao, thường mỗi công đất lãi từ 6 đến 7 triệu đồng, gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Cây cói rất hợp với đất này nên hầu như chỉ trồng rồi bón phân đợi từ 4 đến 5 tháng là có thể thu hoạch”. 

Theo bà Mỹ, hiện tại người dân đều bán cói phơi khô cho thương lái với giá từ 14.000 đến 18.000 đồng/kg.

Thu hoạch cói giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương
Thu hoạch cói giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương

Nông dân thu hoạch cói.

Nông dân thu hoạch cói.
Nông dân thu hoạch cói.

Những ngày này, cánh đồng cói ở xã Đức Mỹ, Đại Phước trải một màu xanh thẳng tắp. Nông dân tất bật ra đồng thu hoạch, gom cói lại để bán cho thương lái. Ông Nguyễn Văn Sự, ngụ xã Đức Mỹ cho biết: “Ở vùng này hầu như ai cũng chuyển qua trồng cói vì hiệu quả cao hơn. Trồng cói rất dễ dàng, không khó ở khâu chăm sóc nhưng tốn rất nhiều công ở khâu thu hoạch. Trung bình 1 công cói phải có gần chục người thu hoạch, phân loại rồi chẻ ra phơi khô để bán cho thương lái”. 

Khi cói cao từ 1,8 đến 2m, nông dân sẽ thu hoạch và phơi ngay tại ruộng là có thương lái tới cân để cung cấp cho các cơ sở đan mỹ nghệ, dệt chiếu hay vận chuyển sang các tỉnh khác. Nhờ nghề trồng cói này đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Sau khi thu hoạch, cói được chẻ nhỏ ra để đem phơi
Sau khi thu hoạch, cói được chẻ nhỏ ra để đem phơi

Nông dân phơi cói trước khi bán cho thương lái
Nông dân phơi cói trước khi bán cho thương lái

Cói được phơi thẳng tắp ngay tại ruộng
Cói được phơi thẳng tắp ngay tại ruộng

Theo thống kê, tại huyện Càng Long có trên 700 ha đất trồng cói, chủ yếu tập trung ở 2 xã Đức Mỹ và Đại Phước. Trong đó, xã Đức Mỹ là địa phương chuyển từ trồng lúa sang trồng cói đầu tiên. Ông Võ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết: “Hiện tại toàn xã có 512 ha đất trồng cói, năng suất trung bình từ 8 đến 10 tấn/ha. Nhờ trồng cói, nông dân có thu nhập gấp 4 lần so với trồng lúa và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương”. 

Theo ông Hạnh, hiện tại toàn bộ cói phơi khô được bán cho thương lái để vận chuyển đến các làng nghề dệt chiếu, thảm ở tận Đồng Tháp, Hà Hội và cả xuất khẩu.

Minh Giang 


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”