Khuyến mãi kiểu "móc túi"

Một trong những mặt hàng nhạy cảm, tăng giá liên tục là gas. Giá tăng nhanh nên thời gian gần đây sức tiêu thụ mặt hàng này giảm đi đáng kể. Để chèo kéo, giành giật khách, các nhà cung cấp đã dùng nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá rất hoành tráng.

Tuy nhiên, chỉ đến khi dùng và so sánh, người tiêu dùng mới biết mình đang bị “lừa” và phần khuyến mại kia chính là phần gas được rút ra từ bình.

Bà Vũ Thị Loan ở Phú Diễn, Từ Liêm (Hà Nội), cho biết, gia đình bà vẫn hay sử dụng bình gas 11kg mang nhãn hiệu Shell gas của một đại lý bán lẻ ngay trên địa bàn. Thời gian đầu, khi đại lý này mới mở ra, bình gas gia đình bà dùng có vẻ lâu hơn, chừng 3 tháng. Thế nhưng, sau khi đại lý này đã đông khách, cũng đồng nghĩa với việc bình gas của gia đình bà chỉ phát huy tác dụng được hơn 2 tháng. Bà Loan tỏ ra hoài nghi vì vẫn chỉ từng ấy người, sử dụng không có gì đột biến, sao lần này lại nhanh hết. Nên giờ mỗi lần gọi gas, bà yêu cầu “phải có cân mới lấy gas”.

Khuyến mãi kiểu "móc túi" - 1

Để hút khách, không ít cửa hàng đã rút ruột, cân điêu, bán gas kém chất lượng rồi giảm giá khuyến mãi để kiếm lợi. Ảnh: Lê Quân.


Bà Loan cũng chỉ là một trong số rất nhiều người bị tình trạng như trên. Nhiều người còn cho biết, hiện nay, đại lý gas mọc lên như nấm bởi lợi nhuận từ việc bán lẻ gas rất lớn, ngày nào cũng có tờ rơi kèm chương trình khuyến mại đầy nhà. Tuy nhiên, lấy gas ở các đại lý này, thời gian sử dụng các bình gas rất ít. Theo anh Đặng Văn Thái, chủ đại lý gas trên đường Cầu Giấy, có nhiều cơ sở kinh doanh gas nhỏ lẻ dùng đủ chiêu "móc túi" người tiêu dùng một cách trắng trợn. Thậm chí, để hút khách, không ít cửa hàng đã rút ruột cân điêu, bán gas kém chất lượng rồi giảm giá khuyến mãi để kiếm lợi. Điển hình cho chiêu này chính là bán với giá bán rẻ hơn từ 10.000 - 30.000 đồng/bình gas.

Gas là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Do vậy, để thành lập một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas phải qua nhiều khâu: Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh; Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quản lý việc cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn cháy, nổ; Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng như chịu trách nhiệm kiểm soát về hoạt động kinh doanh của các cơ sở; Sở Tài chính quản lí về giá; Sở LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn tại các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas… Có nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý kinh doanh mặt hàng gas, nhưng trên thực tế, công việc quản lý sau cấp phép bộc lộ nhiều bất cập, khó quản lý và xử lý sai phạm do trách nhiệm chồng chéo.

Đây cũng là lý do vì sao cơ quan chức năng không thể kiểm soát được các đại lý, các cơ sở kinh doanh gas khiến cho tình trạng sang chiết gas lậu, làm giả bình gas, ăn gian khối lượng gas không được giải quyết triệt để.
 
Theo Phương Trà
Đất Việt