Khuyến mại kích cầu "hết thiêng": Xe nội giảm giá, mất luôn doanh số
(Dân trí) - Mặc dù nhiều hãng xe lắp ráp trong nước giảm giá mạnh nhưng doanh số trong tháng 10 tiếp tục suy giảm hoặc lượng bán ra chững lại. Điều này được nhiều người cho là bất hợp lý bởi đang vào mùa xe cuối năm, lượng tiêu thụ tăng cao. Vậy vì sao có nghịch lý này?
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính trong tháng 10, có hơn 28.900 chiếc xe được bán ra tại thị trường Việt Nam, trong đó trên 70% là dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi.
Tháng thứ 3 liên tiếp doanh số suy giảm
Lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tiếp tục đà suy giảm khi chỉ bán ra thị trường được 16.406 xe, giảm 3% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 10/2019, xe trong nước chỉ tiêu thụ được 153.100 chiếc, giảm hơn 21.600 chiếc. Doanh số các dòng xe trong nước sụt giảm tháng 10 là tháng thứ 3 liên tiếp suy giảm với tỷ lệ khoảng 12%.
Trái ngược với không khí ảm đạm của các dòng xe lắp ráp trong nước, xe nhập vẫn về Việt Nam lượng lớn, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, lượng xe nhập trong tháng 10 đạt 16.600 chiếc, lượng nhập lớn nhất từ trước đến nay tính theo tháng.
Theo báo cáo của VAMA, doanh số xe lắp ráp tại Việt Nam giảm đều là ông lớn như Toyota, tháng 10/2019 doanh số giảm 118 chiếc so với tháng trước đó và giảm 1.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Chevrolet cũng có doanh số tháng 10/2019 giảm gần 80 chiếc so với tháng trước đó và giảm hơn 1.260 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài mẫu Spark được bỏ, các dòng xe Cruise, Trailblazer, Colorado hay Orlando rất chật vật để khẳng định chỗ đứng và không có nhiều đất diễn trước các đối thủ trong cùng phân khúc.
Ông lớn khác nữa là Honda, dù được bổ sung nhiều dòng xe nhập chất lượng, đứng đầu doanh số, song lượng tiêu thụ xe của Honda tháng 10 cũng giảm so với cùng kỳ năm trước 12%, tương đương khoảng hơn 400 chiếc.
TCIEV, liên doanh lắp ráp Nissan tại Việt Nam cũng có doanh số giảm khá mạnh chỉ còn 53 chiếc bán ra trong tháng 10, giảm hơn 70% so với tháng trước và hơn 67% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện của Trường Hải là Mazda dù doanh số tháng 10 tăng so với tháng 9/2019, song so với cùng kỳ năm trước, Mazda vẫn bị giảm doanh số khoảng 400 chiếc. Tuy nhiên, mức giảm này không ảnh hưởng quá nhiều đến thương hiệu này bởi tổng lượng bán ra của Mazda tháng 10 vẫn đạt trên 2.500 chiếc, có 2 mẫu xe lọt top 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam hiện nay.
Điều đáng nói việc giảm doanh số diễn ra trong bối cảnh hầu hết các hãng giảm giá một hoặc nhiều mẫu xe khác nhau. Điều này lo lắng hơn khi thời điểm hiện nay nhu cầu mua xe đang lớn.
Các hãng đều chơi chiêu để không giảm giá xe
Cụ thể, Toyota tháng 10, cũng giảm giá hai mẫu xe ăn khách là Innova và Fortuner với mức giá từ 40 đến 60 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng bán ra của Innova so với tháng 9 vẫn "dậm chân tại chỗ" 1.000 chiếc và không tăng mạnh.
Trong khi đó, chiếc MPV cỡ nhỏ Xpander đang có phong độ ấn tượng khi doanh số đạt 2.600 chiếc/tháng, cao nhất trong mọi phân khúc xe tại Việt Nam, vượt qua cả "vua doanh số" Vios của Toyota.
Ngoài Toyota, các thương hiệu khác cũng giảm giá một hoặc nhiều dòng xe của mình, như Mitsubishi, BMW, Audi cũng thực hiện cuộc giảm giá sốc và lớn nhất năm khi một số mẫu xe được giảm giá từ 200 đến gần 300 triệu đồng trong tháng 10.
Theo một số đại lý xe hơi, doanh số xe lắp ráp trong nước giảm do xe nhập về ồ ạt, cạnh tranh quyết liệt với các mẫu xe nhập khẩu. Thậm chí, nhiều mẫu xe "con cưng", doanh số cao của các hãng bị các đối thủ xe nhập lấy khách làm giảm doanh số chung của doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp ô tô phía Nam cho hay: Các hãng xe sẽ phải căn việc khuyến mãi hay không còn phù thộc vào mục tiêu doanh số chung cả năm. Nếu hãng duy trì được doanh số ổn định, thậm chí có giảm nhẹ, sẽ không giảm giá thêm bởi nếu giảm để có thêm doanh số sẽ áp lực về giá trong năm tiếp theo.
Trong khi đó, nếu doanh nghiệp nào bị suy giảm doanh số sâu, không đạt doanh số năm, họ sẽ buộc phải thực hiện giảm giá mạnh để hút khách.
Vị đại diện này cũng thừa nhận, xu hướng giảm giá đang bao trùm thị trường, nếu các dòng xe nhập giảm giá, chắc chắn các xe trong nước phải buộc giảm giá để cứu chính mình, trước khi nghĩ đến cạnh tranh được.
Tuy nhiên, một điểm đáng nói là các hãng xe nhập hiện nay rất ít tách riêng mà thường là các liên doanh "chân trong, chân ngoài" nên sẽ bán xe theo kiểu buộc thị trường chấp nhận giá, chứ không giảm giá để làm tổn hại lẫn nhau. Chính vì vậy, dù Việt Nam bỏ thuế nhập xe ASEAN từ năm 2018 (từ 30% năm 2017 xuống 0% năm 2018 trở đi) song giá xe nhập vào nước ta vẫn không giảm tương xứng.
Nguyễn Tuyền