Khủng hoảng tiền tệ lần 2 ở Thái Lan: nguy cơ đang lộ diện
(Dân trí) - Thứ Ba (19/12), các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt tháo chạy khỏi Thái Lan ngay sau khi chính phủ nước này tuyên bố nắm quyền kiểm soát thị trường chứng khoán. Nội trong 1 ngày, chỉ số SET sụt hẳn 15%. Bóng ma của cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 dường như đang trở về.
Lâu lắm rồi, thị trường chứng khoán Thái Lan mới lại trải qua cơn chấn động sâu rộng đến vậy.
Ngay sau tuyên bố của chính phủ, SET Index giảm liền 19,5%. Mãi cho đến phiên giao dịch cuối ngày chỉ số chuẩn mới phục hồi lại được chút ít: trở về 622,14 điểm, tức là giảm 14,8% - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2004 trở lại đây.
Các thị trường quanh khu vực châu Á cũng không tránh khỏi xây xẩm mặt mày: chỉ số hỗn hợp JKSE của Indonesia giảm nhiều nhất (2,9%), tiếp đó là Sensex của Ấn Độ (2,5%), KLSE của Malaysia 2% và Hang Seng của Hồng Kông 1,2%.
Sóng ngầm còn lan tận sang trời Tây: chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm sau hầu hết các phiên giao dịch - một phần do tâm lý lo ngại nguy cơ khủng hoảng tài chính ở các quốc gia châu Á, tuy nhiên đến cuối ngày cũng “hồi” lại đôi phần.
Ngày thứ Ba ảm đảm làm người ta nhớ lại những tháng ngày đen tối nhất trong lịch sử tài chính châu Á cách đây 10 năm, khi cơn khủng hoảng bùng phát ở Thái Lan vào tháng 6/1997, nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia lân cận và đẩy nền kinh tế khu vực vào tình trạng suy thoái trong một thời gian khá dài.
Ám ảnh kinh hoàng không chỉ đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài khiến họ đổ xô tháo chạy, mà ngay cả chính phủ Thái Lan cũng phải... bước giật lùi.
| |
Lệnh kiểm soát của chính phủ Thái |
Bằng chứng là hôm nay, các nhà chức trách quyết định thu hồi lệnh kiểm soát đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Cục diện thay đổi 180 độ chỉ sau đúng một ngày.
Bộ trưởng Bộ tài chính Pridiyathorn Devakula cho biết, đối tượng chịu giám sát của chính phủ hiện đã được khoanh vùng hẹp hơn, chỉ còn nhắm vào hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu.
Biện pháp này là 1 phần nỗ lực của Ngân hàng trung ương nhằm đánh sụt giá đồng baht Thái - sau thời điểm chạm mức cao kỷ lục so với đồng USD vào hôm thứ Hai (18/12).
Theo ông Pridiyathorn - nhà kinh tế học có công lớn trong việc đưa Thái Lan bước ra khỏi khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ, đã từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng trung ương trước khi xảy ra cuộc đảo chính hôm 19/9: “Rất may, lệnh kiểm soát đã được rút lại trước khi quá muộn. Thị trường chứng khoán sẽ trở lại bình thường trong nay mai, ngay sau khi nền kinh tế Thái Lan dần đi vào ổn định”.
Giờ đây, Thái Lan đang rơi vào tình cảnh trái ngược hẳn so với thời điểm bùng phát khủng hoảng tiền tệ năm 1997: đồng Baht Thái hiện đang quá mạnh, nguyên nhân tất yếu từ việc các nhà đầu cơ nước ngoài ra sức “bơm” hàng tỷ USD vào nước này.
Để ngăn chặn dòng chảy ngoại tệ đổ về, chiều muộn hôm thứ Hai (18/12), Ngân hàng Trung ương Thái Lan đột ngột ra tuyên bố: tất cả các ngân hàng thương mại trong cả nước buộc phải giữ lại ít nhất 30% trị giá các khoản tiền gửi không liên quan đến thương mại hoặc dịch vụ, hoặc các khoản không phải do công dân Thái đầu tư ở nước ngoài gửi về.
Nếu các nhà đầu tư muốn rút tiền trong thời hạn dưới 1 năm, thì chỉ cho phép trả lại ngay 2/3 số tiền giữ lại, đồng thời áp thuế 10% trên tổng số tiền đầu tư ban đầu.
Ngân hàng Trung ương khẳng định biện pháp mạnh tay này là thật sự cần thiết, bởi ngay trong tuần lễ đầu tiên của tháng 12, đầu tư thuần đổ vào trong nước đã tăng tới 950 triệu USD - con số đáng giật mình so với mức đầu tư trung bình 300 triệu USD/ tuần hồi tháng 11 và tổng giá trị đầu tư 13 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Dòng chảy ngoại tệ một chiều đã giúp đồng Baht đánh bật đồng USD đang yếu thế từ lúc nào không hay.
Có vẻ như “liều thuốc đắng” này đã bắt đầu hiệu nghiệm: hôm thứ Ba (19/12), đồng baht giảm giá đôi chút, từ mức 35,09 đã nhấp nhỉnh lên 35,93 USD “ăn” một USD.
Theo các nhà phân tích, nguy cơ khủng hoảng tài chính châu Á lần 2 không thể dễ dàng xảy ra, bởi nền kinh tế khu vực vào thời điểm hiện tại đã vững mạnh hơn rất nhiều so với thời điểm năm 1997.
“10 năm trước, một dòng ngoại tệ nho nhỏ chảy ra khỏi quốc gia đã đủ sức làm bùng phát cả một khủng hoảng. Tới nay, khả năng này gần như không tưởng, bởi các quốc gia châu Á đang nắm trong tay nguồn dự trữ ngoại hối hùng mạnh hơn bao giờ hết” - theo nhận định của ông Nagesh Kumar, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu ở New Delhi.
Tương lai nền tài chính Thái Lan thật khó mà đoán định. Lệnh kiểm soát thị trường trái phiếu còn chưa được dỡ bỏ, nghĩa là tổng dung lượng dòng chảy ngoại tệ vào trong nước sẽ co giảm dần. Điều này sẽ làm nhẹ bớt áp lực lên đồng Baht Thái.
Khôi Vinh
Theo AP