Đại biểu Quốc hội:

Khu du lịch Đại Nam tạm đóng cửa: Phải nghe thông tin 2 chiều

(Dân trí) - “Tất cả những gì được đăng tải trên báo chí là do ông Dũng “Lò vôi” nói, không phải do cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nói. Chúng ta phải nghe thông tin 2 chiều, nếu không lại tung tin ra là chính quyền o ép doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Bên hành lang Quốc hội, TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã trao đổi nhân sự việc Khu du lịch Đại Nam đóng cửa và cơ chế thu hút nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Thông tin phải nghe hai chiều.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Thông tin phải nghe hai chiều.

Cho rằng, tỉnh Bình Dương “chèn ép”, ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam đã tuyên bố đóng cửa khu du lịch Đại Nam từ ngày 10/11 đến hết ngày 31/12/2014. Ông có bình luận gì về sự kiện này?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Ở đây, ta phải nói rằng Nhà nước không đi tranh chấp với doanh nghiệp, chính quyền nhân dân không đi tranh chấp với doanh nghiệp, mà việc đóng cửa doanh nghiệp là quyền của họ, mình phải tôn trọng quyền chủ sở hữu này của doanh nghiệp. Họ đóng cửa là quyền của họ. Vợ chồng lấy nhau còn ly hôn được nữa là, doanh nghiệp đóng cửa lại đổ cho do tranh chấp là không phải.

Tất cả những gì được đăng tải trên báo chí mấy ngày qua, tôi cho rằng, là do ông Dũng “Lò vôi” nói, không phải do cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nói. Chúng ta phải nghe thông tin 2 chiều, nếu không lại tung tin ra là chính quyền o ép doanh nghiệp. Tôi không bênh ai cả, vì bản thân tôi không biết Dũng “Lò vôi” là ai, chưa vào khu du lịch Đại Nam. Tôi chỉ nhấn mạnh, sự việc này chúng ta cần phải nghe 2 tai.

Bởi, ông ấy đi kiện ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bình Dương, đến khi có kết luận của thanh tra Chính phủ thì lại không chấp nhận. Qua đây có thể nói rằng, chúng ta sống là phải có pháp luật, anh đi kiện người ta, đến khi cơ quan cấp cao nhất có kết luận thì lại cho là không đúng.

Cuộc sống rất đa dạng, đừng vì điều đó mà làm cho bầu không khí kinh doanh của đất nước thêm nặng nề.

Vào ngày 26/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Xin hỏi ông, lần sửa đổi này, Luật có thêm cơ chế để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển không?

Mở cửa tối đa cho các vấn đề về đăng ký thành lập, giấy phép đầu tư, tiếp cận với khu công nghiệp… chúng ta mở cửa hết mà, có hạn chế gì nữa đâu. Ngay cả Luật đầu tư, có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chúng ta cũng đưa vào công khai trong luật. Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là một bước chuyển biến cơ bản.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chúng ta đang dành nhiều ưu ái cho doanh nghiệp FDI, điều này là không nên, vì các doanh nghiệp này có làm ăn hiệu quả thì họ cũng không đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP?

Tôi xin khẳng định rằng, tỷ lệ xuất khẩu trong mấy năm qua của mình tăng cao là do khối doanh nghiệp FDI chứ có phải là doanh nghiệp nhà nước đâu.

Tỷ lệ xuất khẩu tăng, nhưng do độ mở của nền kinh tế quá cao nên thuế suất bị giảm đi, điều đó ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách?

Xuất khẩu tăng lên thì mình thu được thuế xuất nhập khẩu chứ. Việc giảm thuế là giảm cho tất cả các doanh nghiệp, giảm thuế theo ngành hàng chứ đâu riêng gì doanh nghiệp. Có văn bản nào của Bộ Tài chính, Quốc hội nói là giảm thuế cho doanh nghiệp FID đâu?

Xin khẳng định lại, nguồn thu ngân sách giảm là do chính sách giảm các loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, chứ đâu riêng gì doanh nghiệp FDI.

Chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan về vấn đề giảm nguồn thu của ngân sách. Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, thống kê cho thấy là 213.000 doanh nghiệp hạch toán là lỗ, không có lãi. Đây là doanh nghiệp Việt Nam, như vậy nguồn thu mới giảm đi.

Thứ 2, tổng số 55.000 doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản, thế nên ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và người lao động bị thất nghiệp. Trong khi đó có 60.000 doanh nghiệp đăng ký mới, nhưng số lượng người lao động được tuyển dụng cũng từ từ, số lượng nguồn vốn đi vào cũng từ từ thế nên nguồn thu thấp là thế.

Đặc biệt, tổng đầu tư toàn xã hội trong những năm gần đây có giảm. Năm 2011 tổng đầu tư toàn xã hội là 40%, nhưng đến thời điểm này chỉ được khoảng 30%. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nguồn thu ngân sách gặp khó khăn.

Thêm nữa, giá dầu thô liên tục giảm trong 4 tháng qua trên thị trường thế giới, nên khoản đóng góp vào ngân sách từ nguồn xuất khẩu dầu thô cũng giảm. Trước kia, đóng góp vào ngân sách từ xuất khẩu dầu thô tới 25% GDP, thì nay thu ngân sách từ khoản này chỉ được 12 - 13% thôi.

Trong bối cảnh như thế làm cho nguồn thu ngân sách giảm xuống chứ không phải chúng ta có ưu đãi doanh nghiệp FDI.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, về việc tiếp cận đất đai để triển khai dự án, chính sách của chúng ta ưu ái với doanh nghiệp FDI hơn?

Họ thuận lợi hơn ở chỗ nào? Thực tế, khi so sánh, chúng ta cần phải nhìn nhận một vấn đề là nguồn lực tài chính của doanh nghiệp trong nước có bằng doanh nghiệp FDI không? Thế nên, khi anh đưa ra một khu đất mới, hoàn toàn không nằm trong quy hoạch, chưa giải phóng mặt bằng thì sẽ gặp khó khăn ngay. Nhưng nếu vào trong khu công nghiệp đầu tư nhà máy thì được ngay. Chúng ta đã có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vào khu công nghiệp. 63 tỉnh thành của chúng ta đều có khu công nghiệp.

So sánh một doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn với nhau là khập khiễng. Doanh nghiệp của mình còn được giao đất sạch. Doanh nghiệp FDI có khi còn phải giải phóng mặt bằng để làm. Nhưng mà tiềm lực tài chính của doanh nghiệp FDI tốt hơn, nên khi nhìn vào, mình thấy họ đi nhanh hơn, vì không vướng vào thỏa thuận giá. Thứ nữa, họ bỏ tiền vào là bỏ hết ngay. Trong khi doanh nghiệp trong nước còn phải đi vay ngân hàng và ngân hàng còn mất thời gian thẩm định dự án.

Còn nói như ý kiến trên là oan cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư và chính quyền địa phương. Ở các tỉnh thành phố, các chính quyền địa phương không có gì ngăn cản các doanh nghiệp trong nước cả. Bản thân chúng ta cũng phải nhìn thẩy, trong cội nguồn của nó có những khó khăn như thế.

Tôi khuyên rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên vào các khu công nghiệp. Ví như xây dựng nhà máy điện Phân nhôm trên Đắc Nông, chỉ một phát ăn ngay, là của doanh nghiệp tư nhân làm chứ không phải doanh nghiệp FDI. Dự án này vừa được khởi công xong.

Mình cũng phải nhìn một cách khách quan, nhiều chiều. Tất nhiên cũng có thể là trong quá trình doanh nghiệp đi xin đất cũng không tránh khỏi có những công chức, viên chức bắt phong bì, phong bao, cố gắng kéo dài thời gian xuống. Nhưng nhìn chung, chính sách của chúng ta ban hành thì không có những hạn chế.

Vậy theo ông, liệu có chính sách nào khuyến khích để xây dựng được một lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, xứng tầm khu vực?

Chưa có bao giờ trong các kỳ họp Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ lại không tạo điều kiện cho trong nước phát triển cả. Chưa có văn bản nào cho thấy sẽ hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Việc vươn lên của doanh nghiệp, Chính phủ luôn khuyến khích. Nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ được ưu đãi về thuế, hỗ trợ về phí đào tạo, sử dụng công nghệ cao thì được hỗ trợ về thuế, hoàn thuế… Rõ ràng chúng ta đã có cơ chế chính sách rồi chứ không phải không làm đâu. Vấn đề là một doanh nghiệp có thành phần kinh tế ở trong nước họ có thể đầu tư được bao nhiêu, họ có đạt được đến ngưỡng được hỗ trợ không mới là vấn đề chúng ta phải bàn chứ không phải chúng ta không có chính sách.

Chúng ta rất mong muốn có những doanh nghiệp lớn mạnh. Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Vincom… chúng ta mong muốn họ phát triển. Chúng ta có hạn chế gì đâu. Vincom lấy ngay nhà máy Trần Hưng Đạo, trong khi bao nhiều doanh nghiệp khác có lấy được đâu. Hay nhà máy bia rượu Hà Nội ở Lò Đúc cũng là doanh nghiệp trong nước, các thành phần kinh tế khác lấy chứ có phải doanh nghiệp nhà nước lấy đâu.

Chúng ta đang dần dần tiếp cận đến ngưỡng khuyến khích và không phân biệt. Như chúng ta phải thấy rằng, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tiềm lực tài chính gặp khó khăn, nên khi tiếp cận các vấn đề cũng khó khăn hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn.

Trong quá khứ, có nhiều doanh nghiệp đi lên từ cơ chế, ví dụ như bất động sản, mới tạo ra nợ xấu bất động sản chồng chất như thế và chưa xử lý được, thành nợ xấu của vấn đề. Đây là bài học mà chúng ta phải rút kinh nghiệm.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”