1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Khu đất vàng" TPHCM phải qua 16 vòng đấu giá mới có chủ

(Dân trí) - Cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá. Phải qua 16 vòng đấu thì mới xác định người trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh. Giá khởi điểm của thương vụ này là 550 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 1.460 tỷ đồng.

Thông tin trên được "bật mí" bởi ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).

Ông Châu cho biết, hoạt động đấu giá trong 5 năm qua tại TPHCM khá sôi động. Chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 3/2017 (là thời điểm tạm dừng thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Công văn số 342/TTg-V.I ngày 07/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ), "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM" đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng. Giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm 1.256 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm.

Cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá.
Cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá.

Chỉ riêng cuộc đấu giá mặt bằng "khu đất vàng" tại 23 Lê Duẩn, quận 1, đã có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá. Phải qua 16 vòng đấu thì mới xác định người trúng đấu giá là Công ty Tân Hoàng Minh là chủ của khu đất này.

Giá khởi điểm của "khu đất vàng" này 550 tỷ đồng. Giá trúng đấu giá 1.460 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng đến 32,68% tổng giá trúng đấu giá của 215 cuộc đấu giá), chênh lệch tăng thêm 910 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.

"Thực hiện đấu giá tài sản, trong đó, có quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá rộng rãi, công khai, để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực là phương thức đúng đắn và hiệu quả, giúp xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo bán tài sản quyền sử dụng đất theo giá thị trường, đạt hiệu quả cao, tăng nguồn thu cho ngân sách", ông Lê Hoàng Châu nói.

Theo các chuyên gia bất động sản, bất cập hiện nay chính là việc cơ chế đấu giá còn khá lỏng lẻo. Do đó, dễ xảy ra tình trạng đấu giá "cuội", "quân xanh, quân đỏ". Nguy cơ thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản...

Để cuộc đấu giá độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan", HoREA kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản. Trong đó, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng hoàn thiện cơ chế xác định "giá đất cụ thể" để xác định "giá khởi điểm tài sản đấu giá, trong đó có quyền sử dụng đất" một cách hợp lý để thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên giao cho "Tổ chức phát triển quỹ đất" (tổ chức dịch vụ công về đất đai) chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Phải thống nhất một đầu mối là "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản" do UBND cấp tỉnh thành lập có chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản, trong đó, có quyền sử dụng đất. "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản" phải trực thuộc Sở Tư pháp như mô hình tổ chức thực tế hiện nay tại TPHCM.

"Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, theo hướng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản" để đảm bảo cơ quan này hoạt động trung thực, vô tư, khách quan, để không xảy ra tình trạng đấu giá "cuội", "quân xanh, quân đỏ" làm sai lệch kết quả đấu giá, có thể làm thất thoát tài sản Nhà nước", ông Châu nói.

Công Quang

"Khu đất vàng" TPHCM phải qua 16 vòng đấu giá mới có chủ - 2