"Không xử lý cán bộ sai phạm về hưu là không công bằng với công dân"
(Dân trí) - Đánh giá cao những hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ mới, nhưng nhìn lại Chính phủ khoá trước, ông Bùi Sĩ Lợi, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XIV cũng lưu ý trường hợp cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, khuyến cáo về cách thức giám sát hoạt động của Bộ trưởng, các ngành:
Thảm hoạ môi trường tác động đến tăng trưởng kinh tế
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những việc làm bước đầu của Chính phủ mới:
-Chính phủ của nhiệm kỳ này đang khởi động, thể hiện tinh thần rất quyết tâm, thể hiện khá quyết liệt theo tinh thần: Kiến tạo, liêm chính...giống với bản chất của một Chính phủ vì dân. Chính phủ bắt đầu thể hiện tinh thần đổi mới tích cực, có sự rà soát hệ thống chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội...Tuy nhiên, mới có 3 tháng nên cũng chưa có thể đánh giá là đạt hay không đạt. Nhưng bước đầu có thể thấy sự quyết tâm là cao. 3 tháng qua, cũng có nhiều việc đã làm được như điều tra nguyên nhân vụ gây ô nhiễm môi trường ở miền Trung. Tuy nhiên, có chậm, có được giải thích là do cần phải có thời gian đánh giá về các vấn đề khoa học. Nhưng tôi nghĩ là nếu quyết liệt hơn, trả lời sớm hơn thì chắc là sự dị nghị của người dân giảm đi, niềm tin tốt hơn.
Qua 3 tháng, anh thấy sự nhìn nhận của mình với các thành viên Chính phủ mới có thay đổi gì so với trước đây không ?
-Tôi nghĩ rằng, thời gian qua có sự thuận lợi cho các Bộ trưởng chuẩn bị cho công việc và cũng thuận lợi cho việc bầu của các ĐBQH nhiệm kỳ mới. Nhưng đó cũng là thách thức với các Bộ trưởng, các trưởng ngành. Nhưng tôi cho rằng, mấy tháng qua, nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện tinh thần quyết liệt hơn. Tập trung chỉ đạo tốt hơn. Có những Bộ trưởng không tiếp tục Quốc hội. Nhưng cách thức làm cũng tạo niềm tin cho người dân mà Bộ trưởng Y tế là một ví dụ điển hình: Các việc nhỏ ở các bệnh viện đều có mặt để xử lý. Có việc không đúng thì xin lỗi. Thế là được.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua có dấu hiệu tăng chậm lại, ông thấy Chính phủ cần phải lưu ý gì trong chỉ đạo ?
-Đúng là kinh tế từ đầu năm đến nay không thuận lợi. Chính phủ cũng có báo cáo tiếp tục khó khăn thì ngoài tác động của tình hình thế giới thì ở trong nước cũng có những vấn đề tác động như thảm hoạ môi trường ở miền Trung là có tác động đến tăng trưởng. Khả năng tăng trưởng so với kế hoạch 6 tháng và cả năm là không đạt được. Nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận cả nền kinh tế có các yếu tố khách quan mà chúng ta phải gánh chịu. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, đạt tăng trưởng như vậy là cũng có quyết liệt mới đạt được.
Ông có nhận xét gì về những điều Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện trong 3 tháng qua ?
-Tôi nghĩ là Thủ tướng để thể hiện tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt, rất lắng nghe các doanh nghiệp và người dân và cũng thể hiện tinh thần ấy khi yêu cầu không được chậm trễ trong việc ban hành, sửa đổi các chính sách pháp luật, chỉ đạo, xử lý tháo gỡ nhanh các vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây chính là một quyết tâm. Thể chế với nước ta là vấn đề rất quan trọng. Nếu tháo gỡ được các ách tắc về thể chế mới phát triển, vươn lên được.
Tất nhiên, cũng còn có nhiều vấn đề khó khăn không phải giải quyết được ngay lập tức mà Thủ tướng và các thành viên Chính phủ khoá mới phải cố gắng.
Vụ ông Vũ Huy Hoàng, có trách nhiệm Quốc hội khoá XIII
Nhìn lại Chính phủ cũ, với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương mà Tổng bí thư đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm, theo ông, Quốc hội khoá XIV phải có sự giám sát với các Bộ trưởng, hoạt động các bộ, ngành thế nào ?
-Tôi cho đây là trách nhiệm cả Quốc hội khoá XIII. Suốt một thời kỳ dài, chúng ta giám sát, theo dõi, tại sao không phát hiện, nếu phát hiện được, xử lý ngay đi thì đã không xảy ra tình trạng như báo chí vừa nêu. Nhưng phải có niềm tin thế này, quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ là xử lý sai phạm không có vùng cấm. Ai vi phạm phải xử lý. Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng với công dân.
Tôi nghĩ đây là một bài học. Cả một nhiệm kỳ Quốc hội mà chúng ta để ra một tư lệnh ngành mà chúng ta không giám sát, không theo dõi, không nhắc nhở, để xảy ra tình trạng đó, thì đó là một bài học cho Quốc hội khoá XIV. Vấn đề chức năng của Quốc hội là quyết định, làm luật nhưng giám sát là rất quan trọng. Nhà nước kiến tạo tạo thông thoáng nhưng cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Không thể để tồn tại bé xé ra to. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt nhưng vấn đề tiêu cực từ lúc còn nhỏ thì sẽ giảm bớt được hậu quả.
Nhìn vào những dấu hiệu yếu kém trong điều hành, quản lý của ông Vũ Huy Hoàng trong nhiệm kỳ trước, ông thấy, nó đã ảnh hưởng thế nào đến vấn đề phát triển ngành ?
-Thực ra những vi phạm đó nó thuộc về vấn đề điều hành, không phải tác động đến những vấn đề phát triển của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng công tác cán bộ, nếu không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của một ngành.
Nhưng qua vụ ông Vũ Huy Hoàng, qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh có thể nói công tác giám sát các doanh nghiệp nhà nước vẫn rất có vấn đề, nhất là liên quan đến nhân sự chủ chốt ?
-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ý kiến tôi rất quan tâm: Giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giảm thanh tra kiểm tra nhưng không có nghĩ là giảm tức là không thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Không để trở thành áp lực mà là để tháo gỡ, chứ không phải chỉ để xử lý kỷ luật.
Lỗ hổng trong công tác bầu cử ĐBQH qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh, theo ông là gì ?
-Quy trình cán bộ của ta là từ cơ sở. Mặt trận cũng từ cơ sở. Nếu ta mang lỗi này nói là của Hội đồng bầu cử quốc gia là không phải. Bởi vì Hội đồng này không phải là xét chỉ 500 người mà phải có 800 mới có 500. Người ta không đủ điều kiện, không đủ khả năng để xem xét tất cả các trường hợp cụ thể. Mà ở cơ sở, khi anh giới thiệu ở cấp bộ, lấy ý kiến nơi cư trú, có ai nói không, không nói. Lấy ý kiến nơi công tác, có ai nói đâu. Nhưng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở, trách nhiệm thế nào ?. Chúng ta không nên nói lỗi này đẩy ngược lên mà trước hết phải xem về thẩm quyền, tại cơ sở người ta có đề cập sai phạm đó không. Nếu đề cập, đưa lên cấp trên mà không xem xét thì đó mới là trách nhiệm của người cấp trên. Nếu người cấp trên đó vẫn cho là đúng, lại đẩy lên cấp trên nữa thì cấp trên đó cũng phải xem xét lại.
Danh hiệu Anh hùng là thiêng liêng mà phải giải quyết tồn tại sau đó thì ....
Hôm qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ có nói rằng việc khen thưởng (Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới) cho Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí, nơi ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch thời kỳ đó là chính đáng. Ông thấy thế nào ?
-Nếu nói thế là không chuẩn. Tôi không nói là không đúng nhưng không chuẩn. Thi đua khen thưởng là lựa chọn người tiêu biểu nhất, là tấm gương sáng để người ta soi vào. Thế mà PVC lỗ trên 3.200 tỷ đồng mà nói Hội đồng thi đua không xem xét, không nghiên cứu thì ở đây cũng có chuyện là người ta không có thông tin.
Nhưng phải lật lại, khi anh xem xét một đối tượng để khen thưởng, anh phải làm việc với cơ quan chức năng, anh phải đặt những câu hỏi như vậy: Thua lỗ, sai phạm như vậy, Công ty có chịu trách nhiệm không, bản thân anh này có chịu trách nhiệm không để anh kết luận. Nếu không làm được điều đó thì Hội đồng thi đua khen thưởng sai. Còn nếu Hội đồng thi đua khen thưởng đã làm việc với các cơ quan chức năng và được trả lời là đơn vị này không có vi phạm, đơn vị này xứng đáng Anh hùng thì Hội đồng thi đua khen thưởng không sai.
Nhưng nếu Hội đồng thi đua -khen thưởng không làm hết trách nhiệm, xem xét một cách chặt chẽ, lật đi lật lại xem nó có xứng đáng không vì không đơn thuần là bằng khen, huân chương mà là Anh hùng. Danh hiệu Anh hùng là thiêng liêng mà sau đó lại phải giải quyết những vấn đề tồn tại như vậy thì các cơ quan phải xem lại.
Mạnh Quân (ghi)