Không “vung tay” chia cổ tức

Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước quyết định mức chia cổ tức của từng ngân hàng thương mại với mức chia không được vượt quá 9% nên cổ đông không còn nhận được mức cổ tức “khủng” như mọi năm.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của ngành ngân hàng (NH) đã bắt đầu với thông tin được nhiều người chờ đợi là tỉ lệ chia cổ tức. Tuy nhiên, ngay trước mùa ĐHCĐ, NH Nhà nước đã có văn bản gửi các NH thương mại cho biết sẽ quyết và ấn định tỉ lệ cổ tức của từng NH dựa trên kết quả kinh doanh, mức trích lập dự phòng rủi ro và tiến độ xử lý nợ xấu.

Không vượt quá 9%

Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM cho biết nội dung của văn bản quy định NH Nhà nước sẽ phê duyệt và ấn định mức cổ tức riêng cho từng NH thương mại, không quá 9%, thay vì các NH tự quyết định và ĐHCĐ thông qua như những năm trước. Mục tiêu của quyết định này nhằm bảo đảm các NH trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, có lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Hiện NH ông đang dự kiến mức chia cổ tức khoảng 5% nhưng phải chờ HĐQT quyết định.

Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU

Tại ĐHCĐ của NH TMCP Quốc Tế (VIB) diễn ra tuần trước, lãnh đạo NH này cho biết kế hoạch ban đầu dự kiến chia cổ tức cho cổ đông 11% bằng tiền mặt. Nhưng trước ngày đại hội, NH Nhà nước có công văn phê duyệt mức chia cổ tức tối đa là 9%, phần lợi nhuận còn lại được sử dụng để tạo nguồn nâng cao năng lực tài chính và xử lý nợ xấu trong năm nay. Tiếp đó, ĐHCĐ của NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng thông báo mức chi trả cổ tức cho cổ đông chỉ 6% thay vì 10% như kế hoạch ban đầu.

Tại NH TMCP Á Châu (ACB), ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc, cho biết ĐHCĐ sắp tới của NH dự kiến chi trả cổ tức 9% tiền mặt nhưng đến giờ chót, NH Nhà nước chỉ duyệt mức chia 7%. Do đó, HĐQT sẽ trình cổ đông theo mức 7% bằng tiền mặt và đề xuất dùng 2% còn lại chuyển quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của NH.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, cổ đông của một NH có hội sở tại TP HCM, cho biết đến giờ vẫn chưa nhận thông báo mức chia cổ tức cụ thể cho năm nay, chưa có lịch mời họp ĐHCĐ. Năm ngoái, mức cổ tức anh nhận được từ NH này là 5% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. “Năm nay, kết quả kinh doanh của NH đạt hầu hết chỉ tiêu đề ra, lợi nhuận cũng tăng khá nhưng tôi không quá kỳ vọng được chia cổ tức cao vì NH nào cũng ưu tiên xử lý nợ xấu, không “vung tay” chia cổ tức như trước đây” - anh Tuấn nói.

Phải ưu tiên xử lý nợ xấu

Sau khi có văn bản ấn định mức nợ xấu các NH thương mại phải bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), NH Nhà nước tiếp tục áp mức chia cổ tức cho từng NH. Lãnh đạo một NH tại TP HCM nhìn nhận các biện pháp này mang tính “hành chính” và can thiệp sâu vào hoạt động của từng NH. Nhưng ông cũng cho rằng trong bối cảnh tái cơ cấu NH đang vào giai đoạn chạy nước rút và phải kéo nợ xấu về dưới 3% theo nghị quyết của Quốc hội là có thể hiểu được. Ngay từ đầu năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định việc chia lợi nhuận năm nay của NH thương mại phải đặt dưới sự giám sát chặt của NH Nhà nước nhằm bảo đảm việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, sau đó mới đến cổ tức.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, NH thương mại là dạng doanh nghiệp đặc biệt nên quá trình tái cấu trúc phải chịu sự giám sát của NH Nhà nước để lành mạnh hóa, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và cả nền kinh tế. Thực tế, đã có tình trạng một số NH chỉ chăm chăm chia cổ tức cho cổ đông, lời giả lỗ thật mà không trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. “Đến khi “đổ bể” thì nhà nước phải gánh như trường hợp của NH Xây Dựng hay NH TMCP Đại Dương mới đây” - ông Hiển dẫn chứng.

Trường hợp khác, một NH cổ phần có quy mô lớn tại TP HCM liên tục đạt mức lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng từ năm 2010. Đến năm 2013, lợi nhuận bắt đầu lao dốc và teo tóp chỉ còn vài chục tỉ đồng trong năm 2014. Theo các chuyên gia tài chính, nguyên nhân do những năm trước, NH này không trích lập dự phòng đầy đủ để xử lý nợ xấu. Đến năm 2014, lãnh đạo NH ban đầu còn dự kiến lợi nhuận cả năm lên tới 1.800 tỉ đồng nhưng khi Thanh tra NH Nhà nước vào cuộc, yêu cầu trích đúng, đủ dự phòng rủi ro và quyết liệt xử lý nợ xấu thì bong bóng lợi nhuận… xì hơi.

Không nên cào bằng!

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH (Hiệp hội NH), cho rằng không nên cào bằng mức chia cổ tức của các NH thương mại bởi theo luật, quyền quyết định mức cổ tức bao nhiêu thuộc về cổ đông dựa trên khả năng của từng NH. Cơ quan quản lý chỉ có vai trò tạo hành lang pháp lý, gợi ý và định hướng, NH nào làm ăn hiệu quả được chia cổ tức cao, ngược lại thì không chia cổ tức chứ không nên cào bằng mức tối đa 9%.

 
Theo Thái Phương
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”