Cổ tức ngân hàng bèo bọt

Dù hiệu quả kinh doanh không như mong muốn nhưng các ngân hàng trả thù lao cho hội đồng quản trị (HĐQT) với số tiền lớn khiến lợi nhuận còn lại để chia cổ tức quá ít. Nhiều nhà đầu tư cho rằng cổ tức bị “xẻ thịt”.

Tại đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng (NH) diễn ra trong tháng 4/2014 cho thấy mức chia cổ tức cực thấp, thậm chí có NH không chia cổ tức.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tiền lãi quá thấp

Năm 2013, NH An Bình chi trả cổ tức chỉ 2,46%, tức nhà đầu tư chỉ thu lãi 246 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ đông của NH An Bình vẫn may mắn hơn cổ đông NH Phương Nam bởi 2 năm liên tiếp (2012-2013), NH này không chia cổ tức. NH Hàng hải (Maritime Bank) cũng không chia cổ tức năm 2013 và 2014. Một số NH khác vẫn duy trì cổ tức nhưng tỉ lệ rất thấp. Chẳng hạn, NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank) lên kế hoạch trả cổ tức 1% cho năm 2014, còn Mekong Bank chia cổ tức năm 2013 chỉ 1,5% và kế hoạch năm 2014 là 3,5%...

Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín

Đại hội cổ đông thường niên 2014 của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín đưa ra mức thù lao HĐQT năm 2014 là 2%/ kế hoạch lợi nhuận 3.000 tỉ đồng.

Lý giải với cổ đông về cổ tức, HĐQT NH Phương Nam cho biết năm 2013, lợi nhuận quá thấp và sau khi trích lập dự phòng rủi ro, trừ các khoản chi trả khác, chỉ còn lại 2 tỉ đồng (tương đương 0,05% vốn điều lệ). Nếu NH chia cổ tức thì mức chia sẽ cực nhỏ. Lập tức, một số cổ đông của NH Phương Nam phản ứng: NH không chia cổ tức đồng nghĩa HĐQT đã không hoàn thành nhiệm vụ nhưng tại sao vẫn nhận tiền thù lao cực lớn? Tương tự, lãnh đạo của Maritime Bank cũng cho biết kế hoạch chia cổ tức là 7% nhưng do năm 2013, NH đón nhận kết quả thanh tra của NH Nhà nước và phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, dẫn đến mục tiêu ban đầu không hoàn thành nên không thể chia cổ tức.

Theo giới phân tích, pháp luật không quy định NH phải chi trả cổ tức nhưng hằng năm, HĐQT thường đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh gắn liền với mức chia cổ tức nhất định rồi trình đại hội cổ đông thông qua. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, NH không đạt được các chỉ tiêu về lợi nhuận, buộc phải giảm tỉ lệ hoặc không chia cổ tức và phải được đại hội cổ đông thông qua. Điều này các cổ đông chấp nhận được bởi trong điều kiện kinh tế khó khăn, lợi nhuận của nhiều NH sụt giảm 50% là bình thường.

Thù lao HĐQT cao

Theo quy định của pháp luật, HĐQT được NH trả thù lao dựa vào kết quả và hiệu quả kinh doanh sau khi trừ tiền trích lập dự phòng rủi ro, quỹ khen thưởng…; tổng mức thù lao do đại hội cổ đông quyết định. Luật sư Phạm Công Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Do pháp luật không quy định cơ chế trả thù lao cho HĐQT nên trong trường hợp không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, việc trả thù lao cho HĐQT sẽ thực hiện theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.

Điều đáng nói là trong bối cảnh sụt giảm lợi nhuận, mức chia cổ tức gần bằng 0%, các NH lại trả thù lao HĐQT lên tới hàng chục tỉ đồng. Thực tế cho thấy năm 2013, NH Phương Nam chỉ thu về 18 tỉ đồng lợi nhuận nhưng chi trả thù lao cho HĐQT 12 tỉ đồng. Mekong Bank chi trả thù lao cho 4 thành viên HĐQT 4,7 tỉ đồng dù lợi nhuận chỉ đạt khoảng 100 tỉ đồng, tính ra tỉ lệ thù lao HĐQT gần 5% lợi nhuận. NH Nam Á cũng trả thù lao HĐQT và ban kiểm soát 10 tỉ đồng, bất chấp lợi nhuận của năm 2013 chỉ đạt 183 tỉ đồng. Đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 26/4 của NH Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng thông qua chỉ tiêu lợi nhuận 112 tỉ đồng, mức thù lao cho HĐQT 7,5 tỉ đồng (khoảng 7% lợi nhuận)… Còn NH Sài Gòn Thương Tín đưa ra mức thù lao HĐQT năm 2014 là 2%/kế hoạch lợi nhuận 3.000 tỉ đồng

Đây chính là vấn đề khiến cổ đông các NH cho rằng cổ tức bị “xẻ thịt”. Một số nhà đầu tư đưa ra lý lẽ NH không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, giảm tỉ lệ hoặc không chia cổ tức nhưng HĐQT không tự giác giảm mức thù lao là “chơi không đẹp” bởi kết quả kinh doanh của NH có trách nhiệm khá lớn của HĐQT. Trong khi đó, các cán bộ cốt cán của NH không hoàn thành nhiệm vụ thì HĐQT cắt giảm lương, thưởng ngay lập tức.

Theo Thy Thơ
Người Lao động
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước