“Không thể tiếp tục làm những thứ không biết bán cho ai”

Nếu tiếp tục tổ chức sản xuất theo cách như hiện nay thì những thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê cũng như những nông sản khác sẽ còn gặp khó khăn, sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên
 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu tiếp tục tổ chức sản xuất theo cách như hiện nay thì những thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê cũng như những nông sản khác sẽ còn gặp khó khăn, sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được.

 

“Nhà tôi cũng chỉ ăn được một quả dưa một ngày”

 

"Có những mặt hàng Việt Nam thậm chí thua ngay trên sân nhà. Khi tham gia sâu vào TPP, sẽ không còn một hàng rào nào để bảo vệ được, tình trạng có thể còn căng hơn", ông Hiển lo ngại.

 

Ông cũng cảnh báo, cứ tư duy nặng về bao cấp, chưa gắn với thị trường như hiện nay thì sẽ không chỉ năm nay mà các năm sau, gạo, muối, dưa hấu, hành tím cũng sẽ vẫn như vậy.

 

"Người nông dân không thể tiếp tục làm ra những thứ mà mình không biết sẽ bán cho ai, bán đi đâu. Tích cực mua dưa hấu đi chăng nữa thì như nhà tôi cũng chỉ ăn được một quả dưa một ngày, chứ không thể ăn được quả thứ hai. Cách làm như thế không thể ổn được", ông Hiển nói.

 

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi, đến dưa hấu còn phải đi bán kiểu làm từ thiện, nhân đạo như này thì hội nhập rộng rãi tới đây, tình hình sẽ thế nào?

 

Cho rằng cần có những biện pháp cụ thể, nhưng không phải là vận động mỗi người, mỗi nhà mua 1-2 quả dưa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đòi hỏi Chính phủ phải đưa ra được chính sách dài hơi hơn.

 

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, câu chuyện này một lần nữa cho thấy việc thực thi chủ trương, chính sách có vấn đề.

 

Nhìn nhận sâu xa hơn về nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ông Quyền kể chuyện 5 năm qua, ông đi chấm thi chuyên viên cao cấp và thấy rằng trình độ đi xuống, rất đáng báo động.

 

“Mới đây tôi chấm lại một số bài thi phúc tra thì thấy rằng nếu là người có tự trọng thì họ không nên đi thi. Mà toàn giám đốc sở, vụ trưởng, nhưng không hề nắm rõ nội dung về quản lý nhà nước", ông kể.

 

“Sáng nay, tôi nghe anh Bùi Quang Vinh nói về phát triển nông nghiệp. Tại sao tất cả những vấn đề về cạnh tranh đầu ra, đầu vào, dịch vụ cho nông dân, chúng ta có cả một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mà cho đến nay vẫn là câu chuyện dưa hấu... Đó là đội ngũ cán bộ? Đội ngũ cán bộ kể cả về hoạch định chính sách và đội ngũ cán bộ kể cả việc tổ chức thực hiện chính sách đều có vấn đề về năng lực, trách nhiệm", ông Quyền khái quát.

 

“Cách viết báo cáo như thế cũ lắm rồi”

 

Chiều cùng ngày, trong phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế toàn diện hơn, còn báo cáo của Chính phủ thì vẫn na ná như cũ.

 

"Lần này là báo cáo bổ sung, ta bổ sung để Quốc hội thấy năm ngoái nó thế, bây giờ nó đạt thế, thì là làm bảng thống kê thôi, đơn giản thôi. Quan trọng là từ nay đến cuối năm làm gì thì phải tính toán ra được, phải chỉ ra các điểm lớn cần làm, chứ cứ đưa 11 chương trình như báo cáo đầu năm, thì cách viết báo cáo như thế cũ lắm rồi", Chủ tịch nói.

 

Đi vào các nội dung cụ thể, ông đặc biệt lưu ý là báo cáo phải khẳng định cho được quyết tâm cao của hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền các cấp trong việc thực hiện nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

 

"Thủ tướng, Chính phủ, các bộ trưởng đã chỉ đạo điều hành rất quyết liệt, có nhiều giải pháp kịp thời trên các mặt, cả tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Điểm thứ ba mà theo ông, báo cáo cần thể hiện được, là quyết tâm của đội ngũ doanh nghiệp và nhân dân trong phạm vi cả nước. "Báo cáo ra Quốc hội toàn dân nghe phải có ba ý đó", Chủ tịch góp ý.

 

Cũng theo ông, 2015 là năm phải hoàn thành kế hoạch 5 năm để chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, nền kinh tế chuẩn bị hội nhập sâu, đang đứng trước vận hội lớn và khó khăn cũng rất lớn.

 

"Bởi vậy, báo cáo của Chính phủ cần tập trung nói rõ giải pháp cho các yếu kém. Chẳng hạn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng tỷ trọng nhà nước nắm giữ rất lớn, hiệu quả còn rất thấp thì trình Quốc hội cái gì để tháo gỡ? Hay mong muốn thúc đẩy các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân để nền kinh tế độc lập tự chủ thì giải quyết thế nào?", ông nói.

 

Đề cập sang nợ công, vẫn nhấn mạnh về giải pháp, Chủ tịch cho rằng điều mà Quốc hội và cả cử tri muốn nghe là các yếu tố không an toàn phải giải quyết như thế nào, chứ không phải cứ nói mãi là an toàn. Hay từ nay đến cuối năm thì ngăn chặn yếu tố làm tăng nợ công và nợ xấu thế nào, để đến cuối năm nay nợ xấu giảm được về 3%.

 

Theo Nguyên Thảo

VnEconomy
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”