1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Không thể thiếu nhà đầu cơ!

Lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, những người mua bán chứng khoán đều được gọi chung là nhà đầu tư. Về đại thể, cách gọi như vậy không sai, nhưng chưa phân biệt rõ được nhà đầu tư đúng nghĩa với nhà đầu tư đầu cơ....

Thời bao cấp, đầu cơ luôn được hiểu với nghĩa xấu, như là thủ đoạn trục lợi cá nhân, lũng đoạn thị trường, bằng cách mua rẻ, bán đắt. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, kiểu mua hàng lúc giá hạ để bán lúc giá cao vẫn tồn tại, nhưng không còn mang nghĩa xấu vì nó  được hiểu là hiện tượng kinh tế tất yếu khi cung cầu mất cân đối, là cách thức của thị trường tự lập lại cân đối mới, có tác dụng giảm bớt căng thẳng cung cầu và chính qua đó kìm hãm đột biến giá cả, góp phần ổn định thị trường. Các kho hàng đầu cơ đóng vai trò như những hồ điều tiết lưu thông hàng hóa.

 

Hãy nhìn lại cơ chế đầu cơ. Khi nhà đầu cơ mua hàng phải là lúc giá hàng hạ hơn so với giá thị trường bình thường. Đó chính là khi cung lớn hơn cầu. Lúc này nhà đầu cơ mua trữ lại. Nhờ đó cầu tăng lên, giá hàng tuy vẫn hạ hơn bình thường, nhưng hai bên mua bán vẫn chấp nhận được. Quan hệ cung cầu mới hình thành. 

 

Thí dụ rõ nhất về trường hợp này là tình hình thị trường hàng nông sản vào thời kỳ thu hoạch rộ. Tình hình sẽ ra sao, nếu khi đó không có các nhà đầu cơ tham gia thu mua để cất trữ vào kho, trong khi nhà nông rất cần bán sản phẩm để có tiền trang trải chi phí cho mùa vụ mới? Thời gian trữ hàng đầu cơ cũng là thời gian cung giảm dần, cho tới lúc cung nhỏ hơn cầu, giá hàng tăng lên. Đó chính là lúc nhà đầu cơ bán ra. Lấy lại thí dụ thị trường nông sản, đó là thời kỳ giáp hạt (giữa hai vụ thu hoạch), khi người nông dân đã bán hết nông sản cần bán, nguồn cung hầu như không còn. Vào thời điểm này, nhờ có hàng đầu cơ bán ra, thị trường có hàng bổ sung. Cân đối cung cầu được lập lại tùy theo mức độ bổ sung này với mức giá phù hợp.

 

Tất nhiên trong hoạt động của mình, nhà đầu cơ thu được chênh lệch giá. Nhưng cần nhấn mạnh rằng mức chênh lệch này nhiều hay ít không phải nhà đầu cơ muốn là được, mà phụ thuộc vào thị trường. Vì không phải là độc quyền, tư thương không thể ép giá mua, càng không thể ép giá bán. Nếu thị trường diễn biến không như dự tính, nhà đầu cơ có thể bị lỗ, chứ không phải bao giờ cũng lãi và lãi lớn. Đó là chưa nói trong chênh lệch giá này, còn phải trừ đi chi phí lưu thông khi mua, khi bán, chi phí bảo quản, hao hụt hàng trong kho và nhiều chi phí khác. Hai điểm có thể rút ra: 1) Trong điều kiện kinh tế thị trường, đầu cơ là một khâu lưu thông hàng hóa cần thiết, có tác dụng góp phần điều hòa cung cầu, ổn định thị trường và giá cả.  2) Đầu cơ là một loại hoạt động kinh doanh có mức độ rủi ro cao, chứ không phải dễ kiếm tiền như nhiều người vẫn nghĩ.

 

Bây giờ xin bàn đôi điều về đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, những người mua bán chứng khoán đều được gọi chung là nhà đầu tư. Về đại thể, cách gọi như vậy không sai, nhưng chưa phân biệt rõ được nhà đầu tư đúng nghĩa với nhà đầu tư đầu cơ. Theo nghĩa kinh tế học, nhà đầu tư là người góp vốn vào công ty. Họ mua chứng khoán với mục tiêu dài hạn là thu lãi qua cổ tức với tư cách là cổ đông, là đồng sở hữu công ty. Và một khi đã mua thì ít muốn bán lại, trừ phi có sự chuyển hướng đầu tư. Khác với nhà đầu tư, nhà đầu cơ mua chứng khoán với mục tiêu ngắn hạn. Họ mua để bán, kiếm lời chủ yếu dựa vào chênh lệch giữa giá mua và giá bán, chứ không chủ yếu dựa vào cổ tức như các nhà đầu tư. Giá mỗi loại chứng khoán cũng lên xuống phụ thuộc vào biến động cung cầu trên thị trường ở từng thời điểm.

Đáng lưu ý là quan hệ cung cầu này không chỉ phụ thuộc vào những nhân tố trực tiếp liên quan đến từng công ty, mà còn có thể phụ thuộc vào cả những nhân tố kinh tế, chính trị, tâm lý trong nước, có khi phụ thuộc cả vào tình hình quốc tế. Do đó, nếu đầu cơ nói chung đã có nhiều rủi ro, đầu cơ chứng khoán có độ rủi ro càng cao hơn. Và theo quy luật, rủi ro nhiều thì dễ có lãi lớn, nhưng cũng dễ sạt nghiệp. Cho nên chớ có căn cứ vào một số trường hợp gọi là “trúng chứng khoán” gần đây mà ngộ nhận đây là một nghề hốt bạc.

 

Sự xuất hiện của nhà đầu cơ trên TTCK là một nhu cầu khách quan. Hãy hình dung TTCK không có các nhà đầu cơ, mà chỉ có các nhà phát hành là các công ty cần bán chứng khoán để huy động vốn và các nhà đầu tư là những người muốn mua chứng khoán với mục tiêu đầu tư dài hạn. Thị trường như vậy chỉ là thị trường sơ khai, được gọi là thị trường sơ cấp, không có thương nhân. Thị trường như thế, chắc chắn hoạt động mua bán sẽ ít, tẻ nhạt, rời rạc. Nhưng quan trọng hơn là tính thanh khoản của chứng khoán sẽ rất thấp, bởi vì không phải lúc nào cũng có những công ty muốn bán chứng khoán và sẵn sàng mua lại chứng khoán của mình. Nhờ có sự xuất hiện thương nhân chuyên mua đi và bán lại đủ loại chứng khoán, các nhà đầu tư muốn mua chứng khoán (đầu tư) cũng dễ, muốn bán để có tiền làm việc khác (giải tư) cũng dễ. Tính thanh khoản cao bắt nguồn từ đó. Các nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi để đầu tư và giải tư theo sự xem xét của mình, sự lưu chuyển vốn đầu tư trong xã hội trở nên linh hoạt, tạo thuận lợi cho quá trình cải tổ cơ cấu đầu tư, từ đó cải tổ cơ cấu kinh tế, nền kinh tế có điều kiện tăng trưởng năng động. Vai trò tích cực, không thể thiếu của nhà đầu cơ là ở đó. 

 

Theo Lê Văn Tư
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm