Biến dạng BOT giao thông:
Không thể để dân đi đường xấu, chịu phí cao
(Dân trí) - Doanh nghiệp (DN), người dân sẵn sàng nộp phí cao để đi đường tốt, nhưng phải biết được đường đó được đầu tư bao nhiêu, thời gian thu phí ra sao và đã bao nhiêu lượt xe đi qua. Chúng tôi kiến nghị, trên mỗi đường BOT, cần để bảng to ghi tên nhà đầu tư, suất đầu tư và lộ trình thu phí, thời gian thu phí ra sao. Nếu muốn minh bạch thu phí, chúng tôi kiến nghị để bên thứ 3 (đủ trình độ công nghệ) vào thu phí không để nhà đầu tư tự làm tự thu như hiện nay.
Mức đầu tư cao, thu phí không minh bạch
Đây là khẳng định và kiến nghị của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015.
Theo ông Thanh, hiện các tuyến đường BOT đang tồn tại 4 điểm hạn chế lớn nhất: đặt trạm thu phí không đúng, cụ thể là năm 2013 quy định hai trạm thu phí trên QL 5A cũ (Hà Nội - Hải Phòng) phải bỏ nhưng vì lý do để thu phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (QL5B). Tuy nhiên, đến nay đường làm xong, có thu phí rồi, sao hai trạm thu phí vẫn tồn tại và hoạt động?
Ngoài ra còn có nhiều trạm như cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, Trạm thu phí Long Xuyên (Cần Thơ)... Các trạm thu phí gần nhau, quá manh mún, Hà Nội – Thái Bình 100 km có 4 trạm, phí đường cao hơn cả xăng dầu, khiến chi phí giá thành của các DN vận tải quá lớn.
Ông này khẳng định: Hạn chế lớn hiện nay là thu phí tiền mặt; áp dụng thu phí tự động, phí không dừng còn hạn chế, do đó nảy sinh những vấn đề nghi vấn gian lận, nảy sinh quyền anh, quyền tôi. Bên cạnh đó, thu phí thì đường tắc, không thu thì thất thoát tài sản. Theo quy định, nếu đường tắc 1km, các trạm phải giải phóng, mở cửa không thu vé để giải phóng đường, nhưng không trạm nào làm cả, gây bức xúc của người dân, DN.
Ông Thanh khẳng định, hiện người dân và DN rất cần các cơ quan chức năng minh bạch phí và suất đầu tư. "Theo nhiều thông tin chúng tôi có được từ các đợt kiểm toán, thanh tra, tổng mức đầu tư các dự án BOT đang rất cao, nhiều chỗ phải dành 20% giải phóng mặt bằng, 20% chi phí cho dự phòng, 20% cho lãi vay... Điều này làm đội vốn tổng mức dự án lên cao và suất đầu tư lớn dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm. DN và người dân sẵn sàng chia sẻ với nhà đầu tư, chỉ có điều cần là phải công khai tuyên đường đó DN nào làm, tổng mức đầu tư ra sao, lãi vay bao nhiêu? thời gian hoàn vốn và thu phí bao lâu và bao nhiêu xe đã qua. Nếu làm được điều này, thì người dân và DN hoàn toàn ủng hộ, phí cao nhưng họ chấp nhận, chứ không núp bóng như hiện nay”
Ông Thanh đề xuất: "Để minh bạch trong thu phí, tôi kiến nghị cho bên độc lập thu phí với tư cách thuê công ty có đủ công nghệ, đủ kỹ thuật làm được. Không để liên danh nhà đầu tư hoặc 1 nhà đầu tư thu hiện nay, sẽ nảy sinh những bất cập".
Không để “BOT” thành phong trào ồ ạt!
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Vừa rồi là phong trào BOT, nhiều nhà đầu tư có trách nhiệm, tâm huyết và xác định đúng khối lượng và chi phí và được dân ủng hộ. Nhưng vẫn còn những nhà đầu tư chưa tính chính xác, để lại bức xúc cho xã hội. Nói rõ ở khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán. Khối lượng đưa vào tính toán thì lớn, nhưng thực tế thì thấp, chúng ta phải nghiêm khắc, từ đó làm tăng chi phí đầu vào cho sản phẩm, tăng thời gian thu phí và tăng chi phí đầu vào và tăng phí".
Phó Thủ tướng khẳng định: “Bộ GTVT cần phải rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và phát triển chung của đất nước. Không nên để BOT trở thành phong trào ồ ạt. Đồng thời tham mưu và xây dựng cơ chế chính sách đầy đủ, ổn định và minh bạch Nâng cao, năng lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, bao gồm cả cơ chế, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; chính sách đối với thu phí …
Ngoài minh bạch thu phí, theo ông Nguyễn Văn Thanh, chất lượng công trình, đặc biệt là việc cố tình tăng phí bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng thì cần xử lý nghiêm:
“Hiện chất lượng công trình dự án BOT giao thông đang khiến dư luận rất lo lắng, một đường mới đưa vào sử dụng nhưng đã nứt hoặc có sự cố. Cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm soát chất lượng đường, buộc ngừng thu phí đường nếu nhà đầu tư không bảo trì đúng quy định. Anh để mặt đường xuống cấp thì anh phải dừng lại bao nhiêu ngày, hoặc tước quyền của anh đi. Chứ không thể bắt dân đi đường xấu mà vẫn chịu phí được.”Ông Thanh kiến nghị.
Cần xử lý nghiêm những trạm thu phí không tuân theo sự chỉ đạo của Nhà nước. “Thủ tướng vừa chỉ đạo không tăng phí BOT, trạm Mỹ Lộc ở Nam định lại cứ tăng. Vừa mới hôm qua thôi, như thế là trên bảo dưới không nghe, giới vận tải rất bức xúc. Chúng tôi chia sẻ với giới đầu tư, chúng tôi cũng ngồi bàn rất nhiều. Cứ nói chúng tôi chia sẻ với các ông khi giá cước vận tải tăng lên, thì lại bảo “DN vận tải móc túi ngân hàng, chây ì giảm cước”, ông Thanh nói.
Trên thực tế, theo Bộ GTVT, trong tổng nguồn 444.040 tỷ đồng cho kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhờ thực hiện các hợp đồng BT, BOT chúng ta đã huy động được 186.660 tỷ đồng từ khu vực tư nhân chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,64 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, hiện mức thu phí và lộ trình tăng phí hiện nay ở một số vị trí, đồng thời suất đầu tư vào dự án hiện vẫn cao so với bình quân trên thế giới...
Nguyễn Tuyền