Không phun thuốc trừ sâu lấy đâu rau ăn?
(Dân trí) - Đó là thói quen cố hữu của không ít nông dân Việt vốn hay lạm dụng thuốc trừ sâu trong canh tác. Điều này là cản trớ lớn khi phát triển và mở rộng các mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ trên thị truờng.
Rau an toàn, rau hữu cơ thường có dán nhãn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ
Thiếu niềm tin
Trong khi người tiêu dùng thiếu thông tin định hướng về sản phẩm thì chính những người làm nghề buôn bán rau lại hết sức thờ ơ về vấn đề này bởi với họ RAT hay rau không an toàn đều “như nhau” , họ chỉ quan tâm xem họ được lợi bao nhiêu từ việc mua bán rau. Khâu quản lý thị trường còn nhiều lỗ hổng.
Theo cuộc điều tra về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với rau tại 4 chợ đầu mối rau chính của Hà Nội là chợ Long Biên, chợ Đền Lừ, chợ rau Vân Nội, chợ Dịch Vọng Hậu do Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) thực hiện năm 2013 cho thấy công tác quản lý ATTP rau tại thủ đô chưa được quan tâm đúng mức.
Mặc dù đại diện ban quản lý của các chợ được điều tra vẫn ghi nhận các hoạt động quản lý ATTO của các cơ quan liên ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Bộ Y tế đới với thực phẩm tại các chợ bán buôn, trong đó có sản phẩm rau, nhưng taand suất kiểm tra thấp, thậm chí có các đợt kiểm tra chỉ mang tính phong trào. Tại các chợ chưa có hoạt động giám sát, quản lý thường xuyên đối với ATTP.
Trong khi đó, nhận thức và năng lực đảm bảo ATTP của cả người bán và người mua rau ở các chợ này còn thấp. Người bán buôn chưa có động lực và sức ép về kinh doanh RAT nên RAT chưa có chỗ đứng tại các chợ bán buôn.
Có đến 73% số người bán buôn rau được điều tra tại các chợ này không phân biệt được RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật như các công cụ kiểm tra độ an toàn của rau, tỷ lệ này ở nhóm người mua rau lên tới 95%. Đặc biệt có đến 30% số người bán rau được điều tra cho rằng không cần thiết phải cung cấp RAT do kinh doanh RAT nhìn chung không có lãi, chi phí sản xuất RAT cao trong khi đầu ra không ổn định về cả lượng và giá, người kinh doanh RAT chưa nhận được ưu đãi đáng kể so với kinh doanh rau thông thường. Hiện chưa có chợ bán buôn nào có các phân khu riêng cho RAT.
Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách và cơ chế quản lý ATTP đới với sản phẩm rau tại các chợ đầu mối. Công tác quản lý ATTP đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn gặp khó khăn do có quá nhiều ban ngành cùng tham gia, cơ chế hành chính chồng chéo, thiếu hiệu quả. Lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP nước ta còn rất hạn chế, hiện chỉ có khoảng 300 người, trong khi đó các quốc gia khác như Thái Lan, chỉ riêng thủ đô Bangkok đã có trên 5.000 cán bộ thanh tra về thực phẩm, Nhật Bản có 12.000 người.
Tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, ATTP đối với sản phẩm rau được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất, vận chuyển và cung ứng tại các điểm đầu mối bán buôn. Tuy nhiên, các mặt hàng rau quả thực phẩm ở Việt Nam đa phần vẫn được sản xuất, cung ứng và tiêu thụ theo các kênh truyền thống, nên nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm hầu nhu không được quan tâm.
“Nguồn tiêu thụ các mặt hàng rau quả thực phẩm tại Việt Nam hiện còn lệ thuộc chủ yếu vào thương lái do người sản xuất chưa có đầu ra riêng và ổn định, thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh, sản xuất,” bà Lê Thị Hồng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương phát biểu tại Hội thảo "Quản lý ATTP đối với sản phẩm rau từ các hộ sản xuất nhỏ đến các đầu mối phân phối" do IPSARD tổ chức sáng, 29/10, tại Hà Nội.
Phân biệt nhờ nhãn mác
Nhiều chuyên gia tham gia hội thảo đều cho rằng để đảm bảo cung ứng cho thị trường sản phẩm rau an toàn và chất lượng, cần xây dựng một chuỗi cung ứng rau được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào, sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn Vietgap đã được áp dụng ở một số địa phương trên cả nước. Tuy nhiên khả năng duy trì phát triển trồng RAT theo tiêu chuẩn này chưa cao bởi chi phí cấp chứng nhận khá cao (khoảng chục triệu/ha/năm). Điều này nằm ngoài khả năng của các hộ nông dân nhỏ trong khi đó số hộ nông dân nhỏ chiếm tới 80-90% hộ sản xuất nông nghiệp ở nước ta.
Tổ chức VECO Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) đã nghiên cứu và phát triển mô hình sản xuất rau sử dụng công cụ quản lý PGS (Hệ thống bảo đảm cùng tham gia) ở Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình), Việt Trì, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc trong 5 năm (2008-2012), cho ra hai sản phẩm chính là PGS RAT và PGS hữu cơ. Kết quả cho thấy đây là mô hình hiệu quả và phù hợp với hộ nông dân nhỏ bởi nó tạo sự liên kết ngang giữa những người nông dân, hình thành các nhóm sản xuất, liên nhóm sản xuất. Có một ban điều phối giúp lên kế hoạch và tổ chức kiểm tra, xét duyêt và chứng nhận những hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn. Số người tham gia vào hệ thống PGS tăng nhanh từ 10 hộ năm 2008 lên 520 hộ năm 2012. Thu nhập của người trồng rau trong hệ thống PGS nhập ổn định khoảng 3-4 triệu đồng/hộ/tháng. Riêng người trồng rau PGS hữu cơ có thu nhập tới 6 triệu đồng/hộ/tháng nhờ giá rau bán cao hơn rau thông thường.
Trong hệ thống PGS hữu cơ, các nhóm hộ tham gia giám sát chéo nhằm đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí sản xuất, đảm bảo uy tín của nhóm sản xuất và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Nếu một hộ trong nhóm sản xuất không tuân thủ dù chỉ một khâu trong quá trình sản xuất sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả nhóm và đồng nghĩa là sản phẩm của cả nhóm không được bán với nhãn PGS hữu cơ.
Thị phần RAT và rau PGS hữu cơ còn khá nhỏ do nguồn cung chưa đủ cầu, tổ chức sản xuất khó. Một số nhóm sản xuất có nguy cơ bị vỡ do chính sách dồn điền đổi thửa buộc họ phải chuyển vùng sản xuất đến khu vực mới và phải tập huấn lại cho nông dân. Nhiều nông dân không xin rút ra hệ thống vì họ không tuân thủ được các yêu cầu khắt khe đưa ra. Nhận thức của người dân về rau hữu cơ chưa đầy đủ.
"Chúng tôi không muốn phát triển rau hữu cơ theo kiểu phong trào mà phải xem xét các bên tham gia có thể đáp ứng được yêu cầu hay không. Một lớp tập huấn cho nông dân thường có 25 học viên nhưng chỉ 10 người trụ lại. Họ bảo là "không phun thước trù sâu thì làm sao có rau ăn". Ban đầu nhiều nông dân lo lắng, hoang mang và thường hỏi về việc phun thuốc gì cho sâu này, bệnh kia. Nhưng bây giờ họ đã hiểu ra và chấp nhận giảm sản lượng nhưng sẽ bán được giá cao đề bù lại chi phí sản xuất. Để phân biệt RAT, rau hữu cơ và rau thông thường thì người tiêu dùng hãy nhìn vào logo (nhãn mác sản phẩm - PV),” bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam (thành viên Hiệp hội hữu cơ Việt Nam) cho biết.
Thảo Nguyên