1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Không phân biệt xe máy điện, người sử dụng “ngã ngửa” khi bị CSGT phạt

Trong ngày đầu ra quân xử lý các trường hợp đi xe máy điện chưa đăng ký, lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền đối với các trường hợp vi phạm lần đầu.

Sáng 1/7, các cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông số 3 đã phát hiện, kiểm tra nhiều trường hợp người sử dụng xe máy điện, xe mô tô điện chưa thực hiện đăng ký xe với cơ quan chức năng.

Tại ngã tư Xã Đàn – Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội), tổ công tác số 6 Đội CSGT số 3 do Thượng úy Vũ Đức Hùng làm tổ trưởng đã phát hiện nhiều xe máy điện không có biển số vẫn lưu thông trên đường. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra các xe máy điện nói trên và tiến hành nhắc nhở đối với người vi phạm.


Tổ công tác số 6, Đội CSGT số 3 (Công an TP.Hà Nội) tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp

Tổ công tác số 6, Đội CSGT số 3 (Công an TP.Hà Nội) tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp

Cụ thể, tổ công tác đã phát hiện và xử lý với 4 trường hợp người đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm và không đăng ký biển số.

Trong tâm trạng khá bất ngờ khi bị dừng xe kiểm tra, chị T – một chủ xe máy điện – cho biết chị chưa biết đến thông tin xe không có biển số sẽ bị phạt. “Xe tôi mới mua được 5 ngày, khi mua xe máy điện thì chủ cửa hàng cũng có nói chuyện này nhưng do tôi ở miền Nam nên không có hộ khẩu ở đây, không đăng ký được” – chị T nói.

Cũng với tâm trạng khá bất ngờ khi bị tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra, nhiều người điều khiển xe máy điện (đa phần là các bạn học sinh) đã đưa ra nhiều lý do cho hành động không đội mũ bảo hiểm và đăng ký xe của mình. Các trường hợp này đã được tổ công tác xử lý nhắc nhở.

Trao đổi với Dân Việt, Thượng úy Vũ Đức Hùng cho biết từ hôm nay đơn vị sẽ kiểm tra, xử lý các trường hợp đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm và đặc biệt là các xe máy điện không đăng ký nhưng vẫn lưu thông. Đối với những trường hợp vi phạm lần đầu, Thượng úy Hùng cho biết tổ công tác đã nhắc nhở người vi phạm và yêu cầu chủ xe tự giác chấp hành đăng ký xe theo quy định.


Nhiều xe máy điện bị tổ công tác kiểm tra xử lý tại ngã tư Xã Đàn – Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội).

Nhiều xe máy điện bị tổ công tác kiểm tra xử lý tại ngã tư Xã Đàn – Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội).

Còn Đại úy Phạm Văn Chiến – Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Số 3 (Công an Thành phố Hà Nội) cho biết đơn vị này cũng đã lập các tổ công tác để tiến hành xử lý vi phạm.

“Ban chỉ huy phòng CSGT Công an TP.Hà Nội đã lập kế hoạch và lập tổ công tác ra quân xử lý những trường hợp xe máy điện vi phạm luật giao thông như chưa đăng ký theo đúng quy định với không đội mũ bảo hiểm. Đội CSGT số 3 đã cho các tổ công tác đứng tại các vị trí như trường học cấp 3, các tuyến đường giao thông trọng yếu để tiến hành xử lý. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân khẩn trương đi đăng ký xe máy điện theo đúng quy định” – Đại úy Chiến nói.

Theo Đại úy Chiến, đối với các trường hợp không thực hiện đăng ký và lắp biển số theo quy định với xe máy điện, xe mô tô điện, mức phạt sẽ từ 300.000 – 400.000đ.

Phó đội trưởng Đội CSGT số 3 cũng nhận định rằng nhiều người tham gia giao thông vẫn coi xe máy điện như là xe đạp điện, không ý thức được tính chất nghiêm trọng vì tốc độ xe máy điện rất cao. Hơn nữa, với suy nghĩ xe máy điện chỉ dành cho trẻ em và thanh niên nên khi mua xe, nhiều người không chú trọng đến các giấy tờ thủ tục.

Không phân biệt xe máy điện, người sử dụng “ngã ngửa” khi bị CSGT phạt - 3

Trước thắc mắc về cách phân biệt giữa xe máy điện và xe đạp điện để tiến hành nhận biết xử lý vi phạm trên đường, Đại úy Chiến phân tích: “Việc phân biệt rõ nét nhất của xe đạp điện và xe máy điện là xe đạp điện thường có bàn đạp, xe máy điện không có bàn đạp và tốc độ hiển thị trên mặt công tơ mét rất cao. Xe máy điện thì công suất có khi đến 100km/h nhưng xe đạp điện thì chỉ đến 30, 40km/h”.

“Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn giữa xe đạp điện, xe máy điện và thắc mắc có phải đội mũ bảo hiểm không, có phải đăng ký không. Theo quy định, người sử dụng xe đạp điện không phải đội mũ bảo hiểm và không phải đăng ký lắp biển số” – Đại úy Chiến cho biết thêm.

Trước đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký, cấp biển số xe mô tô điện, xe máy điện, Bộ Công an ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA (sau đây gọi là Thông tư 54) bổ sung quy định về đăng ký đối với loại hình xe trên.

Theo đó, từ ngày 6.12.2015 đến 30.6.2016, khi đi đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện, ngoài Giấy khai đăng ký xe theo mẫu quy định, người dân chỉ cần mang theo 2 loại giấy tờ gồm: Bản photocopy Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp chủ xe là cá nhân); giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với trường hợp chủ xe là cơ quan, tổ chức) và Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân của người đến đăng ký xe.


Tổ công tác xử lý nhắc nhở đối với một trường hợp vi phạm không đăng ký xe và lắp biển số theo quy định.

Tổ công tác xử lý nhắc nhở đối với một trường hợp vi phạm không đăng ký xe và lắp biển số theo quy định.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp chưa thực hiện đăng ký xe máy điện, xe mô tô điện trước ngày 1/7, khi đăng ký sau này, sẽ phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ khi đăng ký.

“Sau ngày 1/7, người sử dụng xe máy điện, xe mô tô điện khi đi đăng ký xe phải có đủ giấy tờ như: Giấy kiểm định của cơ quan kiểm định, có nguồn gốc hóa đơn xuất xứ và một số giấy tờ như trước là bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân” – Phó đội trưởng Đội CSGT số 3 nói.

Theo Hoà Nguyễn
Dân Việt