“Không nhân nhượng với các bộ ban hành văn bản trái luật”
(Dân trí) - Chiều nay (8/3), tại cuộc họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh đã có những chỉ đạo rất tâm huyết trên cương vị Tổ trưởng Tổ công tác này.
Không bỏ lề lối cũ, Luật mới vô hiệu
Tại cuộc họp, Trưởng ban thư ký của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết kể từ khi có hiệu lực từ 1/7/2015 đến nay, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã tạo nên những thay đổi lớn tích cực trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Cung, việc thực hiện 2 Luật trên cũng có một số vướng mắc, gây tốn phí thêm thời gian, chi phí của người dân.
“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa ban hành kịp thời một số văn bản hướng dẫn thi hành luật nên một số vấn đề kỹ thuật của doanh nghiệp chưa xử lý được”, ông Cung nói. Ví dụ như việc do chưa có thông tư hướng dẫn về công khai các cam kết về môi trường, mục tiêu xã hội…nên việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp xã hội hiện chưa làm được.
Cũng theo ông Cung, “hiện cũng chưa có sự tương thích giữa một số quy định của 2 luật trên với các văn bản hướng dẫn thi hành khiến cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ quan đăng ký kinh doanh gặp một số khó khăn, lúng túng trong giải quyết một số thủ tục”.
“Hiện chưa có sự nhất quán. Với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan đăng ký doanh nghiệp chưa rõ có bắt buộc ngành nghề kinh doanh phải phù hợp mục tiêu đầu tư hay không”, ông Cung dẫn chứng.
Đáng chú ý nhất, theo ông Cung, theo yêu cầu của Quốc hội đến ngày 1/7/2016 các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mà các Bộ, ngành ban hành trái thẩm quyền (Luật chỉ thừa nhận 267 ngành nghề có ĐKKD, được ban hành theo Nghị định trở lên) sẽ bị bãi bỏ. Nhưng cho đến nay, vẫn còn 16 ngành nghề trong 267 ngành nghề kinh doanh đó vẫn chưa được 4 Bộ: Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông ban hành. Thậm chí, một số nơi vẫn ban hành ngành nghề có ĐKKD mới trái thẩm quyền.
“Theo tôi, những ngành nghề mà đến thời điểm trên các bộ vẫn không ban hành ĐKKD được thì phải coi như không có vì rõ ràng là các bộ còn chưa có ý tưởng. Chúng ta phải dứt khoát từ bỏ lề lối cũ, nếu không các Luật mới sẽ bị vô hiệu”, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
“Chúng ta không thể nhân nhượng với các Bộ ban hành văn bản trái luật”, ông Cung nhấn mạnh.
Ở góc độ lạc quan hơn, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho rằng, sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã rất thuận lợi.
“Hiện nay xuống các tỉnh, thấy không khí khác hẳn. Ở Hưng Yên, người dân sáng nộp hồ sơ, chiều đã nhận được kết quả đăng ký kinh doanh. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có đến 1200 hồ sơ mà cũng chỉ một ngày là xong, chủ yếu đăng ký qua tổng đài 1080”, ông Tuấn nói.
Từ thực tiễn, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương phát hiện: “Chúng ta vẫn bỏ quên hơn 4 triệu hộ kinh doanh cá thể, một nguồn lực rất lớn. Trước đây đã bàn rồi, mà đến khi làm 2 Luật này, chung ta vẫn chưa đưa họ vào được”.
“Chính vì thiếu sót này dẫn đến ứng xử thực tế của các địa phương về đất đai, vốn vay…cho các hộ kinh doanh kém. Tôi nghĩ rằng, các hộ kinh doanh cá thể phải được đối xử nghiêm túc hơn, đúng vai trò của nó”, ông Hiền đề nghị.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Tôi muốn là người ký văn bản này”
Lắng nghe cả buổi thảo luận, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đồng tình với nhiều ý kiến như đề xuất: cho đến 1/7/2016, nếu các Bộ nào không ban hành ngành nghề kinh doanh có điều kiện như Luật đã quy định thì coi như, các ngành nghề đó không cần ĐKKD.
Theo Bộ trưởng Vinh, việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới là “đang đi đúng hướng” đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp. Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện 2 Bộ Luật “gốc” này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
“Tôi cho rằng, việc rà soát về ngành nghề ĐKKD là trọng tâm nhất vì xét cho cùng, đó là những rào cản kinh doanh”, ông nói. Theo Bộ trưởng, Tổ công tác phải rà kỹ để thống kê cho đủ các ngành nghề có ĐKKD hiện nay để xem có bao nhiêu ĐKKD ban hành không đúng, cái nào vi phạm để báo cáo đầy đủ với Quốc hội xem xét.
“Chúng ta cần phải nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo gấp, làm xong trong tháng 4 thì tốt dù công việc còn rất lớn và phức tạp”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu. Ông cho biết, trong 3 và tháng 4 tới, tại kỳ họp tới, các Đại biểu Quốc hội có thể biểu quyết, thông qua nhân sự Chính phủ khóa mới nên ông cũng muốn báo cáo về tình hình 2 Luật trên sau một năm triển khai phải được hoàn thành để trình Quốc hội xem xét và thông qua các biện pháp để thúc đẩy việc triển khai 2 Luật này trong thời gian tới.
“Nếu việc này thông đồng bén giọt thì công lao chúng ta rất lớn. Nó mở ra một chương mới là quyền tự do kinh doanh được đảm bảo để người dân và doanh nghiệp đỡ khổ”, Bộ trưởng Vinh nói. Ông trầm giọng: “Cách thức làm việc ở nhiều nơi còn rất kinh khủng. Nếu chúng ta không xử lý được thì không ai muốn làm ăn, kinh doanh, sẽ không có phát triển gì cả. Ai làm giàu cho đất nước ? Chỉ có doanh nghiệp thôi mà người dân làm ăn cũng qua doanh nghiệp”.
“Tôi muốn là người ký văn bản này vì nếu không xong, sau kỳ họp Quốc hội tới, tôi lại không ký nữa. Mà những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu lại trình qua Chính phủ, nhiều bộ, ngành ngồi đó lại có ý kiến thì đó lại thành vấn đề mệt mỏi. Rất mệt mỏi”, Bộ trưởng Vinh tâm sự, kết thúc cuộc họp.
Mạnh Quân