1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Không nên cố chứng minh ta không bán phá giá!

Thủ tục, cách thức đối phó với vụ kiện chống bán phá giá giày tại EU đang là vấn đề nhức đầu của các doanh nghiệp bị kiện. Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư YKVN Lê Công Định, luật sư duy nhất được mời tham gia trong tổ tư vấn của Hiệp hội Da giày Việt Nam, đã có một số ý kiến chung quanh vấn đề này.

Xem ra cách thức xem xét vụ kiện chống bán phá giá giày ở Liên hiệp châu Âu (EU) có phần dễ chịu hơn so với Mỹ?

Có một điểm "thoáng" hơn là ở chỗ mặc dù EU cũng như Mỹ đều chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng EU vẫn cho phép các doanh nghiệp bị đơn được quyền chứng minh mình hoạt động theo cơ chế thị trường. Họ xem xét cụ thể từng trường hợp và nếu chứng minh được thì doanh nghiệp bị đơn sẽ được hưởng quy chế kinh tế thị trường.

Khi đó, các số liệu về giá và chi phí của bị đơn đưa ra sẽ được chấp nhận, thay vì bị áp đặt theo số liệu từ một nước thứ ba. Những doanh nghiệp này sẽ có cơ hội được hưởng mức thuế chống phá giá thấp nhất.

Phải chăng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các bị đơn đã thừa nhận có bán phá giá? Tại sao ta không chứng minh mình không bán phá giá?

Vụ kiện do Liên minh Sản xuất giày da châu Âu đứng đơn kiện 62 doanh nghiệp Việt Nam về việc bán phá giá đối với 33 mã sản phẩm giày mũ da xuất khẩu sang EU.

Theo thống kê của EU, so với năm 2003, lượng giày sản xuất năm 2004 của EU giảm 10%, trong khi lượng giày xuất khẩu của Việt Nam vào EU liên tục tăng nhưng giá bán gần đây lại giảm khoảng 30%.

Đây không phải là chứng minh phá giá hay không phá giá mà là khai theo yêu cầu của họ để được hưởng mức thuế thấp nhất có thể. Nhân đây tôi cũng xin nói thêm rằng trước đây chúng ta từng có quan điểm hết sức sai lầm về các vụ kiện chống phá giá.

Đó là đi theo hướng cố chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá và khi không đạt được điều này thì nghĩ rằng chúng ta thua kiện hoặc bị xử ép. Có thể nói rằng một khi đã bị kiện thì khó có thể chứng minh không bán phá giá!

Vì sao có chuyện lạ đời vậy, thưa luật sư?

Nước nào cũng vậy, họ cứ rêu rao là tự do hóa thương mại nhưng thật ra đều tìm cách bảo hộ mậu dịch trong nước. Chừng nào các doanh nghiệp của họ chưa kêu ca thì họ còn để yên cho ta nhập hàng vào.

Nhưng một khi quyền lợi, thị phần bắt đầu bị đụng chạm và doanh nghiệp trong nước họ kêu lên thì hàng rào bảo hộ mậu dịch, trong đó có công cụ chống bán phá giá, lập tức sẽ được dựng lên ngay.

Nhưng lần tham gia vụ kiện tôm tại Mỹ, ông và các đồng nghiệp của ông ở Công ty Luật White & Case từng giúp cho một doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng thuế suất 0%?

Được hưởng thuế suất 0% không có nghĩa vĩnh viễn được xem là không bán phá giá vì mức thuế này chỉ được áp dụng tạm thời trong một thời hạn nhất định và sẽ được xem xét hằng năm sau cuộc điều tra ban đầu. Điều tôi muốn nói đến trong vụ kiện giày da hiện tại cũng chính là đây.

Chúng ta phải hợp tác tham gia điều tra và chuẩn bị trả lời thật tốt các câu hỏi để được hưởng những mức thuế thấp nhất có thể. Mục tiêu chính là ở chỗ đó. Còn việc chứng minh không bán phá giá để mong có một chiến thắng tuyệt đối trong những vụ kiện chống phá giá ở nước ngoài là điều khó có thể xảy ra.

Gần đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại, cũng đã nêu rõ quan điểm thực tế và hợp lý này cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Theo SgEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm