Về số phận của EVN Telecom:

Không nên chậm trễ

Chính phủ vẫn chưa có qyết định cuối cùng về số phận của EVN Telecom, nhưng dù có quyết định theo hướng nào thì sự chậm trễ trong việc thay đổi, tái cấu trúc một doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả có thể sẽ mang đến thêm những hệ lụy không đáng có.

Không nên chậm trễ - 1
Chậm trễ tái cấu trúc EVN Telecom sẽ không có lợi cho Nhà nước và cả thị trường.
 
Dù chỉ có hai hãng viễn thông đề nghị và lên phương án tiếp nhận EVN Telecom là Viettel và Hanoi Telecom nhưng cả thị trường đều trông đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ. Quyết định đó không chỉ tác động mạnh đến tính cạnh tranh trên thị trường viễn thông thời gian tới mà còn chuyển tải thông điệp rõ ràng của Chính phủ về việc mua bán, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ theo hướng nào, nhất là các doanh nghiệp sống trong “bức tường” bao cấp quá lâu như các công ty trong ngành điện lực, trong đó có EVN Telecom.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam hé lộ hướng giải quyết của Nhà nước sẽ trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh: “Không làm tổn hại đến đối tác và khách hàng của công ty khác”. Dường như tuyên bố này nhằm trấn an những lo lắng của Hanoi Telecom, nơi cùng với EVN Telecom trúng thầu phần kinh doanh sinh lợi nhiều nhất là một nửa mạng viễn thông 3G.

 

Phía Hanoi Telecom đã hai lần gửi văn bản lên Chính phủ, một mặt bày tỏ sự lo ngại nếu EVN Telecom được sáp nhập với một nhà mạng đã lớn mạnh khác thì quyền kinh doanh “một nửa” mạng 3G của họ sẽ khó khăn. Mặt khác, thị trường viễn thông sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn khi thị phần của khối DNNN được nâng lên, còn thị phần của các doanh nghiệp non trẻ khác vì vậy mà suy giảm.

 

Lo ngại của Hanoi Telecom không phải là không có cơ sở trong bối cảnh tập đoàn Viettel đã chủ động thành lập ban tái cơ cấu và chuẩn bị phương án sáp nhập EVN Telecom. Hanoi Telecom, vì thế, chỉ còn cách đề nghị mua lại toàn bộ nguyên trạng EVN Telecom, thay vì chỉ mua “miếng ngon” nhất là mạng 3G, và sẽ trả bằng tiền mặt. Việc này được Hanoi Telecom xem là thế mạnh của mình bởi vì “khác với các DNNN chỉ nhận nợ trên sổ sách”.

 

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, đánh giá việc để hai doanh nghiệp này đợi lâu đồng nghĩa với sự chậm trễ trong việc tái cơ cấu, mua bán DNNN. Lẽ ra Chính phủ phải có những hành động cần thiết sau các quyết định bán cổ phần ở EVN Telecom từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay không thành. “Tái cơ cấu doanh nghiệp như EVN Telecom càng để lâu càng mất giá vì sự thua lỗ càng cao hơn, không có lợi chung cho sự phát triển của Nhà nước và thị trường”, ông Trực nói. Ông lưu ý bài học trong việc chậm trễ tái cơ cấu Vinashin vẫn còn mang tính thời sự.

 

Thực tế sự chậm trễ này suýt chút nữa đã gây ra những hậu quả lớn về quản trị ở tập đoàn Điện lực (EVN) và EVN Telecom, nếu Chính phủ không có sự can thiệp kịp thời. Bằng chứng là EVN đã từng tính đến phương án giải quyết sự thua lỗ ở EVN Telecom bằng cách chuyển lỗ sang chi phí điện, chuyển nợ sang cho việc kinh doanh điện dưới hình thức tách một sóng mạng (carrier) sang phục vụ thị trường điện. Tuy nhiên việc này đã bị phát hiện và bị buộc dừng lại.

 

Một chuyên gia viễn thông khác cũng có chung quan điểm với ông Trực về việc Nhà nước cần hạn chế các quyết định hành chính trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp mà cần làm thế nào để các quyết định đó mang tính thị trường. Ví dụ như việc cần phải xác định rõ tài sản nào là của ngành điện nói chung, cái nào của EVN Telecom có được từ lợi thế kinh doanh viễn thông có thể mua bán được thì chia thành các gói riêng biệt và tổ chức bán đấu giá. “Như mạng 3G của EVN Telecom cũng nên đấu giá vì đây là tài nguyên của đất nước, không nên quyết định chuyển cho doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác.

 

Nếu chuyển giao cho Hanoi Telecom thì yêu cầu họ phải chứng minh với Nhà nước việc quản lý, kinh doanh 3G sẽ đem lại hiệu quả”, ông Trực nói. Còn vị chuyên gia viễn thông khác cho rằng, trừ trường hợp các gói tài sản của EVN Telecom mang đấu giá không thành công, các doanh nghiệp không mua, thì Nhà nước mới sử dụng quyết định hành chính để chuyển các phần đó về đâu. “Làm như vậy không có doanh nghiệp nào kêu Nhà nước chuyển đổi DNNN lòng vòng hay ép doanh nghiệp khác tiếp nhận EVN Telecom thiếu thuyết phục được”, vị này gợi ý.

 

Theo Ngọc Lan
TBKTSG