1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Không giới hạn doanh nghiệp trong nước kinh doanh xăng dầu”

(Dân trí) - "Theo Nghị định 84 thì Nhà nước không hạn chế doanh nghiệp trong nước nếu đủ điều kiện. Doanh nghiệp có thể đăng ký để trở thành doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu nếu có đủ điều kiện về kho bãi, vốn và hệ thống phân phối..."

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời trước Quốc hội sáng nay (30/10) như vậy khi nói về thị phần của các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: Việt Hưng).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (ảnh: Việt Hưng).

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Hiện nay chúng ta có 12 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 84 thì Nhà nước không hạn chế. Doanh nghiệp trong nước có thể đăng ký để trở thành doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu nếu đủ điều kiện về kho bãi, vốn và hệ thống phân phối; chúng ta chỉ hạn chế nước ngoài trong lĩnh vực xăng dầu. Nhưng cho đến giờ phút này, ngoài 12 doanh nghiệp cũng chưa có doanh nghiệp nào đăng ký thành lập thêm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Về cơ chế, Bộ Trưởng Hoàng cho biết, hàng năm Bộ Kế hoạch - Đầu tư căn cứ vào nhu cầu của năm sau để thông báo chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu tối thiểu và căn cứ vào chỉ tiêu đó Bộ Công Thương thông báo cho các doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu, hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu tối thiểu. Tất cả những doanh nghiệp này đều đăng ký và Bộ Công Thương không phân bổ theo ý chí hành chính mà căn cứ vào đăng ký.

“Nhưng trên thực tế vừa qua, nhất là trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, có không ít doanh nghiệp không thực hiện chỉ tiêu đăng ký, không nhập khẩu dẫn đến Bộ Công Thương phải nhắc nhở và rút giấy phép. Như vậy, phần thiếu còn lại do không nhập Bộ Công Thương phải giao cho Tổng công ty xăng dầu hoặc Công ty xăng dầu dầu khí thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định không có hạn chế các doanh nghiệp trong nước nếu có điều kiện”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
 
Trả lời thắc mắc của đại biểu Quốc hội về sự tồn tại của Hội đồng cạnh tranh và Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương quản lý, người đứng đầu Bộ Công Thương nói: Theo quy định, Hội đồng cạnh tranh là Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, có đại diện của các bộ, các ngành trong đó có Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Hội đồng cạnh tranh làm việc theo nguyên tắc là một cơ quan liên bộ, chứ không phải là của Bộ Công Thương.
 
Còn cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng cạnh tranh là Cục quản lý thị trường, khi xuất hiện các tình huống cần phải xử lý theo quy định của Luật cạnh tranh, ví dụ có đơn thư hoặc có phát hiện những sai phạm thì Hội đồng cạnh tranh sẽ là người xem xét và thụ lý các trường hợp giải quyết theo Luật cạnh tranh, cho đến giờ phút này thì tất cả mọi công việc chúng ta đều thực hiện theo quy trình.

“Chúng tôi cũng nhận thức rằng, đúng là nếu để Cục quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương thì nó cũng có câu chuyện là vừa quản lý, vừa xử lý những việc hàng ngày. Vì thế trong đề án này, chúng tôi cũng đã tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể tới đây tách Cục quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương và nó chỉ nằm trực thuộc Hội đồng cạnh tranh”, Bộ trưởng cho hay.

Về tạm nhập, tái xuất xăng dầu, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Hoàng cho rằng: Tạm nhập, tái xuất là một hoạt động thương mại bình thường. Ở các nước đều cho phép hoạt động tạm nhập, tái xuất. Tuy nhiên, tạm nhập cái gì, tái xuất cái gì thì theo chính sách của từng nước. Riêng đối với xăng dầu, đây là một nhu cầu cần thiết bởi các nước như Lào, Campuchia yêu cầu chúng ta cung cấp xăng, dầu cho họ do điều kiện địa lý, kinh nghiệm trong quản lý xăng, dầu của họ chưa có điều kiện. Vì thế, một năm chúng ta vẫn phải tạm nhập xăng, dầu để xuất lại cho nước bạn Lào và Campuchia.

Ngoài ra, hoạt động của máy bay, tàu thuyền nước ngoài vào Việt Nam, họ cũng có nhu cầu mua xăng, dầu tại Việt Nam để phục vụ cho hoạt động khi họ bay về nước. Những hoạt động này không phải chỉ có Petrolimex đảm nhiệm, còn máy bay của nước ngoài do xăng dầu hàng không thực hiện việc tạm nhập, tái xuất, tàu biển nước ngoài do xăng dầu hàng hải thực hiện việc tạm nhập tái xuất.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng "cần thiết thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, vừa qua có một số trường hợp lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất để buôn lậu, để trục lợi, hải quan và các cơ quan chức năng đã phát hiện. Do đó, trước mắt chấn chỉnh bằng việc chỉ cho phép các hoạt động tạm nhập, tái xuất theo yêu cầu đối với hoạt động đối ngoại, đối với tàu thuyền và máy bay của nước ngoài, còn các trường hợp khác thì tạm dừng”.

Nguyễn Hiền