“Không có chuyện nợ ngân sách vượt mức an toàn”

Ông Nguyễn Thành Đô, Vụ trưởng Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết nợ nước ngoài đang chiếm hơn 33% GDP, trong khi quy định phải trên 50% mới bị xếp vào mức nguy hiểm.

Nợ ngân sách đang là vấn đề nóng bỏng trong diễn đàn Quốc hội. Bộ Tài chính có phản ứng gì trước thông tin tổng dư nợ ngân sách đã vượt mức an toàn?

 

Đó chỉ là một trong số những thông tin đưa ra thảo luận trong Quốc hội chứ không phải là con số chính thức.

 

Hằng năm, các công ty đánh giá tín nhiệm quốc tế đều tập hợp số liệu, dữ liệu liên quan đến môi trường kinh doanh, năng lực tài chính, tổng dư nợ của một quốc gia... Ngưỡng nợ nào được coi là nguy hiểm thì tùy theo cách đánh giá của từng tổ chức trong nước hay quốc tế.

 

Hiện nay, khoản nợ nước ngoài của Việt Nam đang chiếm khoảng 33,2% GDP. Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB), con số này phải ở mức trên 50% GDP mới xếp vào mức nguy hiểm. Như vậy, Việt Nam vẫn được xếp vào tình trạng nợ đọng an toàn và có thể kiểm soát được.

 

Con số tổng dư nợ quốc gia được lấy từ chính báo cáo của Chính phủ nên những lo ngại của các đại biểu Quốc hội không phải là không có lý?

 

Theo tôi, các ý kiến lo ngại có vẻ “hơi thái quá” và chưa thực sự tin tưởng vào cơ quan quản lý Nhà nước. Tại sao các tổ chức tín nhiệm quốc tế tin tưởng và đánh giá tốt về tình hình tài chính của Việt Nam còn bản thân chúng ta lại nhìn nhận ngược lại? Mỗi khoản vay đều phải cân nhắc, phải xem xét nhiều góc độ tại sao chúng ta phải đi vay.

 

Chính sách vay nợ của Việt Nam từ trước đến nay đều rất thận trọng, trong đó, chúng tôi lấy hiệu quả là tiêu chí đầu tiên, không vay thương mại cho những dự án không có khả năng hoàn trả, không vay ngắn hạn cho những mục tiêu dài hạn…

 

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về vốn. Trên thực tế, nếu tận dụng tối đa nguồn lực trong nước, mỗi năm chúng ta cũng chỉ huy động được khoảng 20 tỷ USD, trong khi nhu cầu đầu tư trong năm tới lên đến 140 tỷ USD.

 

Theo tôi, đi vay nợ là nhu cầu tất yếu đối với bất kỳ nền kinh tế đang phát triển nào. Vấn đề đặt ra ở đây là, chúng ta sử dụng khoản vay đó như thế nào, có hiệu quả, sinh lãi để trả nợ. Không phải cứ vay nợ là xấu, có khi nợ chính là đòn bẩy.

 

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án công bố ngân sách và tổng dư nợ quốc gia, hiệu quả của những dự án mới cho vay, kể cả những dự án bảo lãnh cho vay. Dự kiến cứ 6 tháng một lần chúng tôi sẽ công bố thông tin này để dư luận biết và tham gia ý kiến.

 

Theo ông, những thông tin về tổng dư nợ quốc gia có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 2 ra thị trường quốc tế?

 

Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được lời kêu ca nào từ các nhà đầu tư về tình trạng nợ của Việt Nam. Thậm chí, nhiều ý kiến còn đánh giá rằng, nợ của Việt Nam là bền vững và đây là điểm tốt để đánh giá chỉ số tín nhiệm của Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài khi mua trái phiếu Chính phủ đều không quan tâm là Việt Nam sẽ sử dụng như thế nào, cho doanh nghiệp nào vay. Người ta chỉ nhìn vào quốc gia đó, nền kinh tế, hệ số tín nhiệm quốc gia đó.

 

Hiện nay, hệ số tín nhiệm của Việt Nam đang được đánh giá cao, đây được coi là một tín hiệu tốt đối với đợt phát hành sắp tới. Như vậy niềm tin vào trái phiếu của Việt Nam trong các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên và chúng ta sẽ bán được với giá tốt hơn.

 

Về đợt phát hành trái phiếu quốc tế thứ 2, chúng tôi vẫn chưa chốt lại giá trị cũng như thời điểm tiến hành. Bộ Tài chính đã có đề án báo cáo Thủ tướng về vấn đề này nhưng chưa nhận được ý kiến từ phía Chính phủ. Mong muốn của Chính phủ là các doanh nghiệp tự phát hành. Chúng tôi biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rậm rịch chuẩn bị nhưng đề án cụ thể như thế nào thì Bộ Tài chính chưa nhận được.

 

Ông đánh giá như thế nào về khả năng tự phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường của doanh nghiệp mà không cần sự bảo lãnh của Chính phủ?

 

Theo đánh giá của chúng tôi thì đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa đủ điều kiện cũng như chưa chuẩn bị kịp để tự phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Thứ nhất là do tình hình tài chính của các doanh nghiệp này chưa thật ổn định, vững chắc.

 

Thứ hai, họ chưa có các kết quả kiểm toán nên không đảm bảo minh bạch hóa về thông tin theo yêu cầu của thị trường.

 

Thứ ba là chưa có hệ số đánh giá tín nhiệm. Do vậy chỉ còn hai cách là Chính phủ đi vay về rồi cho các doanh nghiệp vay lại hoặc doanh nghiệp phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ. Bộ Tài chính khuyến khích các doanh nghiệp làm theo phương án thứ hai.

 

Nhiều ý kiến lo ngại về khả năng một số doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn song lại không có khả năng trả nợ, ông nghĩ sao?

 

Phải thừa nhận, trong bảo lãnh và trong kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro nên điều đó không thể tránh khỏi. Một doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh nhưng rồi không trả được nợ thì chúng tôi sẽ tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao họ không trả được nợ. Nếu là nguyên khách quan sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý, còn nếu do chủ quan sẽ xem xét sắp xếp lại tổ chức, sản xuất để cải tổ. Trường hợp không trả được nợ hoàn toàn sẽ tiến hành giải thể, phá sản hoặc bán doanh nghiệp.

 

Theo Minh Khuyên

VnExpress