Không chỉ có bầu Hiển quan tâm cổ phần Vinafood II

(Dân trí) - Mặc dù là một doanh nghiệp có tình hình khá phức tạp, tuy nhiên, tham gia vào quá trình cổ phần hoá Vinafood II, ngoài T&T muốn làm cổ đông chiến lược, phiên IPO còn có 41 nhà đầu tư đăng ký tham gia, phần lớn là các cá nhân.

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) vừa công bố thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II).

Theo phương án cổ phần hoá, Vinafood II sẽ đấu giá công khai 114,8 triệu cổ phiếu, tương đương 23% vốn điều lệ. Giá khởi điểm ở mức 10.100 đồng/cổ phần. Với mức giá khởi điểm nói trên, dự kiến phiên đấu giá thu về được gần 1.160 tỷ đồng nếu toàn bộ số cổ phần được bán hết.

Vinafood II trở lại tình trạng thua lỗ trong nửa đầu năm 2017
Vinafood II trở lại tình trạng thua lỗ trong nửa đầu năm 2017

Trong đợt đấu giá này, đã có 41 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó có 40 cá nhân (31 cá nhân trong nước và 9 cá nhân nước ngoài) và duy nhất 1 tổ chức trong nước.

Tổng khối lượng cổ phần mà nhà đầu tư đăng ký mua là 115,6 triệu cổ phần, cao hơn số cổ phần mà Nhà nước chào bán. Trong đó, cá nhân trong nước đăng ký mua tới 115,1 triệu cổ phần, cá nhân nước ngoài chỉ đăng ký mua 6.800 cổ phần còn số lượng cổ phần mà tổ chức trong nước đặt mua vỏn vẹn có 500.000 đơn vị.

Bên cạnh đấu giá công khai thì trong phương án cổ phần hoá, Vinafood II cũng sẽ bán 125 triệu cổ phần tương ứng 25% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Được biết, đến nay mới chỉ có Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Vinafood II và cũng đáp ứng được phần lớn yêu cầu đặt ra.

Vinafood II cũng đã đề nghị Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn T&T làm nhà đầu tư chiến lược, từ đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vinafood II được đánh giá là doanh nghiệp lớn nhất thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, tiền thân là Tổng công ty Lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976. Hiện có 14 đơn vị thuộc khối mẹ và một đơn vị văn phòng tổng công ty, 12 công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết, với gần 2.600 cán bộ, công nhân viên.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại khá phức tạp do tồn tại nhiều vấn đề về tài chính, sai phạm trong quản lý đất đai và kết quả kinh doanh nhiều năm thua lỗ.

Đến cuối tháng 6/2017, “ông lớn” này vẫn đang tồn tại khoản lỗ luỹ kế 912 tỷ đồng, trong đó, nửa đầu năm 2017 lỗ 118 tỷ đồng (mặc dù 2015 và 2016 đã có lãi lần lượt 136 tỷ đồng vào 156 tỷ đồng). Tổng nợ (cả ngắn hạn và dài hạn) ở mức 3.855 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là 3.885 tỷ đồng.

Bích Diệp

Không chỉ có bầu Hiển quan tâm cổ phần Vinafood II - 2