Khốn đốn vì Covid-19, nữ giám đốc đi buôn hoa quả, biến văn phòng thành kho chứa hàng
"Covid-19 ập đến, hệ thống homestay kết hợp dạy ngoại ngữ của tôi sập luôn, không giáo viên, không học sinh. Để có tiền duy trì, trả tiền nhà, tôi đi buôn hoa quả".
Giám đốc rẽ lối đi buôn
12 giờ trưa, chị Vũ Thị Thanh Phượng (SN 1987) trú tại Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) tay cầm chiếc bánh giò nguội lạnh mua từ sáng, cắn vội một miếng rồi trả lời điện thoại, nhận các đơn đặt hàng. Phía góc phải căn nhà, chồng chị đang cắt bỏ đi những lá bắp cải dập nát do vận chuyển.
Chị Phượng cho hay, cả chục ngày nay, vừa bán hoa quả vừa giải cứu nông sản của Hải Dương khiến chị bận "tối mặt, tối mũi".
"Ngày tôi nhận đơn, chia đơn rồi gọi ship hàng cho khách, chồng đóng hàng, bốc hàng lên xe. Tối 2 vợ chồng lại cùng nhân viên bốc hàng chục tấn nông sản về điểm tập kết, mệt nhưng vẫn cố", chị Phượng nói.
Vừa buông điện thoại, lập tức chị Phượng lại chạy ra ngoài bốc hàng. Nhìn người phụ nữ 2 tay xách 2 bịch cà rốt nặng hơn 10kg, nhanh thoăn thoắt chất lên xe tải, không ai nghĩ rằng đó là một giám đốc hệ thống gồm 6 trung tâm ngoại ngữ kết hợp homestay tại Hà Nội.
"Mấy ngày nay, hầu như mỗi ngày tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng. Ngày thì chia đơn, bán hàng, đêm lại bốc hàng chục tấn hàng đến 1-2 giờ sáng. Mệt bơ phờ nhưng chưa thấm vào đâu so với những người nông dân một nắng 2 sương ngoài đồng suốt mấy tháng trời để làm ra cây bắp cải, củ cà rốt hay quả ổi, quả cam", chị Phượng nói.
Là người bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, với chị Phượng, bà con nông dân dường như cũng cùng chiến tuyến. Hơn 1 năm qua, hàng loạt trung tâm tiếng Anh, trung tâm gia sư và chuỗi homestay học tiếng Anh với người nước ngoài tại Hà Nội do chị gây dựng phải dừng hoạt động.
Chỉ vào ngôi nhà 6 tầng mặt phố Nguyễn Văn Huyên, chị Phượng ngậm ngùi cho biết, đây chỉ là 1 trong 6 cơ sở trong hệ thống trung tâm tiếng Anh của chị. Ảnh chụp học viên với giáo viên người nước ngoài vẫn còn đó nhưng xung quanh không phải là bàn ghế mà là la liệt đủ các loại hoa quả và nông sản chất cao ngất.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, các cơ sở homestay và trung tâm ngoại ngữ của chị buộc phải đóng cửa do giáo viên người nước ngoài về nước ăn Tết không thể bay sang Việt Nam để tiếp tục việc giảng dạy.
Suốt nhiều tháng liền, các cơ sở phải đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch nhưng tiền thuê nhà mỗi tháng hàng trăm triệu đồng khiến chị gặp khó khăn không nhỏ về tài chính.
"Tôi bàn với chồng mua hoa quả là đặc sản các vùng miền về bán online trên các chợ mạng. Ai ngờ người quen, bạn bè và phụ huynh học sinh tin tưởng, đặt mua nhiều quá", chị Phượng nói.
Từ bán lẻ, bán online, chị Phượng nhận được những đơn hàng bán buôn với số lượng lớn. Văn phòng trung tâm ngoại ngữ trước đây trở thành kho chứa hàng chục loại hoa quả với số lượng hàng chục tấn mỗi ngày. Từ kế toán, trợ lý đến lễ tân của trung tâm trước đây, giờ cũng bắt tay vào hỗ trợ chị Phượng đi "buôn".
Biến trung tâm ngoại ngữ thành điểm tập kết hàng giải cứu
Bán đặc sản vùng miền, quen biết và gắn bó với người nông dân khắp mọi miền cả nước, chị Phượng mới hiểu được những khó khăn, vất vả của người nông dân gặp phải. Vì thế, mỗi khi gặp khó khăn, chính người dân lại gọi cho chị nhờ "giải cứu".
"Đợt giải cứu cam ở Quang Bình và Bắc Quang (Hà Giang) là đáng nhớ nhất. Lên đó, bà con nghèo đến mức chỉ ăn cơm với măng luộc chấm mẻ, sang lắm là có mấy con nhái nấu lên, sang nữa thì họ mổ con gà đãi khách", chị Phượng kể.
Vì vậy, mỗi chuyến lên lấy hàng, chị đều gói thêm ít thức ăn hay biếu bà con thêm quả dưa hấu, ít xoài hoặc hoa quả. "Các thương lái khác trả 5.000 đồng/kg thì tôi trả 5.500-6.000 đồng, chênh nhau vài trăm đồng/kg nhưng bà con quý lắm", chị nói.
Hoa quả buôn bán, chị cùng chồng đến mua tận gốc rồi dùng xe của gia đình vận chuyển về cửa hàng bán cho các mối. Sau khi trừ tiền xăng, tiền cước, tiền nhân công bốc vác và nhân viên bán hàng, chị cho biết mình chỉ lấy lãi đúng 500 đồng/kg.
"Riêng hàng giải cứu cho nông dân tôi không lấy 1 xu chênh lệch. Mặc dù như đợt này giải cứu cho Hải Dương, hàng về nhiều, bày ra vỉa hè nên phải nộp phạt, tôi cũng phải bỏ tiền túi để bù lỗ 5-6 triệu đồng để di chuyển sang các điểm khác", chị Phượng bày tỏ.
Trong mỗi đợt "giải cứu", mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn hàng giúp nông dân nhưng chị luôn hướng đến việc những sản phẩm ngon nhất.
"Khi số lượng giải cứu lớn, trường hợp sản phẩm đó tốt thật thì mình vui. Nếu thiếu cân hay sản phẩm không như cam kết khiến mình rất buồn. Có đợt, vợ chồng tôi phải đổ bỏ 1 xe cam trị giá mấy chục triệu đồng ra bãi rác vì phát hiện lô cam giải cứu đó có thuốc. Bởi nếu mình biết có thuốc mà vẫn bán thì khách hàng mình ăn xong sẽ thế nào? Bao nhiêu phúc đức mình xây đắp sẽ tan nát theo xe cam ấy luôn", chị Phượng phân tích.
Hơn 1 năm qua, từ một giám đốc trung tâm ngoại ngữ có thu nhập hàng tỷ đồng, chị Phượng trở thành "dân buôn" hoa quả chuyên nghiệp, vừa duy trì công việc với mức thu nhập ổn định cho nhân viên cũ vừa có tiền duy trì các trung tâm tiếng Anh chờ thời điểm dịch bệnh chấm dứt và kinh tế được phục hồi.
"Covid-19 không phải khó khăn duy nhất mà tôi gặp phải. Có những khi khởi nghiệp, tôi bị đối tác lừa hết sạch tiền lẫn công sức. Thất vọng, đau khổ rồi tôi lại bắt đầu lại từ đầu. Tôi tâm niệm, nếu khó khăn thì hãy nghĩ đến lý do mình bắt đầu và khi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra", chị Phượng bày tỏ.