Khởi sự kinh doanh đã dễ dàng hơn rất nhiều

(Dân trí) - “Để ký kết được các hiệp định FTA thì các thủ tục hành chính dần dần phải cải thiện nhiều. Trước đây để đăng ký giấy phép kinh doanh rất rườm rà, nhưng bây giờ chỉ cần từ 5 – 7 ngày là được, khởi sự kinh doanh dễ dàng hơn rất nhiều so với trước", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Chiều qua (31/3), Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia FTA” giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể hơn về cơ hội khi Việt Nam tham gia các FTA và có cách quản lý nhân sự hiệu quả, đúng đắn nhất.

Ông Ngô Chung Khanh phát biểu tại hội thảo
Ông Ngô Chung Khanh phát biểu tại hội thảo

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là bước tiến quan trọng trong lộ trình tăng cường quan hệ song phương toàn diện và sâu sắc, đặc biệt là quan hệ thương mại và đầu tư. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA là một hiệp định toàn diện chất lượng cao đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư hai bên.

Bên cạnh đó, với mong muốn đem đến một cái nhìn tổng quan về sự cần thiết trong việc thay đổi và hoàn thiện bộ máy quản lý nhân sự phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế. Quản trị nhân sự luôn đóng vai trò quan trọng vào sự thúc đẩy, gắn kết con người vươn tới mục tiêu của công ty, không thể tách rời chiến lược kinh doanh và quyết định phần lớn đến sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang thu hút một lượng lớn lao động có chất xám từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam với mức lương hấp dẫn.

Có mặt tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho hay: “Thời gian qua, một số người cho rằng, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã kí kết hiệp định FTA rồi, nhưng điều đó chưa chính xác. Hai bên chưa kí kết hiệp định này, mà mới kết thúc đàm phán và đang hoàn tất quá trình pháp lý để hướng tới việc kí kết. Đây là thông tin chính xác nhất hiện nay.”

Nhưng theo ông Khanh, hiện nay, tham gia FTA có rất nhiều tích cực với Việt Nam, trong đó vai trò của FTA thể hiện ở rất nhiều khía cạnh như, thứ nhất là mở cửa thị trường, các sản phẩm của Việt Nam xuất sang các nước có kí kết hiệp định FTA sẽ được giảm thuế về 0 – 5%, điều này sẽ tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thứ 2 là FTA có những nguyên tắc rất quan trọng là “đối xử với liên hợp quốc” và “đối xử với quốc gia”. Nguyên tắc này đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước không lợi dụng vị trí thống lĩnh của mình để gây cạnh tranh bất bình đẳng. Nhà nước phải đảm bảo độc lập, không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế, khi kí kết hiệp định FTA sẽ tạo sự cân bằng cho các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FTA tại thị trường Việt Nam.

“Khách quan mà nói, hiện nay các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ khá nhiều nguồn lực của đất nước. Với những cam kết của FTA thì những nguồn lực ấy phải được chia sẻ, dần dần phải được phân bổ đều hơn cho không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn cả doanh nghiệp nước ngoài, để từ đó trao nguồn lực đó đến tay người sử dụng một cách hiệu quả nhất”, ông Khanh cho biết.

Thứ 3 là giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Trong FTA có những quy định về mua sắm Chính phủ cho phép được đấu thầu một cách công khai, mình bạch nên không chỉ các “doanh nghiệp sân sau” mới được quyền làm những dự án lớn của Nhà nước, mà tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, miễn là làm hiệu quả nhất. Như vậy sẽ đảm bảo cơ sở hạ tầng của chúng ta sẽ tốt hơn.

Không chỉ vậy, ông Khanh cho rằng: “Để ký kết được các hiệp định FTA thì các thủ tục hành chính dần dần phải cải thiện nhiều. Sự nỗ lực gần đây đó là, trước đây để đăng ký giấy phép kinh doanh rất rườm rà, nhưng bây giờ chỉ cần từ 5 – 7 ngày là được, khởi sự kinh doanh dễ dàng hơn rất nhiều so với trước.”

Một số doanh nghiệp FTA họ không cần Chính phủ cho vay tiền vì họ có tiền, cái họ cần là được tạo một cơ sở pháp lý vững chắc, một khuôn khổ chính sách minh bạch, rõ ràng và hiệu quả. Thậm chí, những vấn đề về xử lý chống tham nhũng của các quan chức Nhà nước cũng cần được xử lý.

"Như vậy, rõ ràng khi kí kết các hiệp định FTA, ít nhiều nó cũng tạo ra môi trường tốt hơn nhiều để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau cùng nâng cao chất lượng”, ông Khanh kết luận.

Thế Hưng