69% ông chủ doanh nghiệp Việt không biết gì về FTA Việt Nam - EU

(Dân trí) - Theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong số hơn 120 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên sang thị trường các châu Âu, 69% chủ doanh nghiệp cho biết chỉ nghe nói chứ không biết gì về các cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) .

Đây là khẳng định trong báo cáo về Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến cải cách chính sách và thể chế” ở khu vực hành chính công và doanh nghiệp tại Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng nay (20/1).

Cụ thể, trong 120 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng đầu sang thị trường các nước châu Âu, khi được hỏi về các cơ chế thuế quan Hiệp định EVFTA, có tới 69% nói rằng họ chỉ "có nghe nói nhưng không biết gì hơn" về EVFTA, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) cho rằng mình "có kiến thức sơ đẳng" là 26%, trong khi đó tỷ lệ DN cho rằng mình "có kiến thức chuyên sâu" chỉ là 5%.

Kết quả khảo sát cho thấy một thực tế không gây ngạc nhiên và thật sự đáng lo ngại: phần lớn các doanh nghiệp (63%) đã không có bất kỳ hành động nào, dù nhỏ, để sẵn sàng cho EVFTA nói riêng và trong các FTA tương lai nói chung.

Đặc biệt, cùng với FTA giữa Việt Nam và các nước EU cũng sẽ có nhiều cơ chế thuế quan rộng mở; những chính sách thương mại tự do đặc biệt với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó nhiều sản phẩm từ Việt Nam như: ngũ cốc, hoa quả, thủy sản, dệt may sẽ được gỡ bỏ 100% thuế ngay từ thời điểm hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội rất lớn đối với hàng hóa Việt Nam trở lại với những thị trường thương mại truyền thống ở Đông Âu.

Theo Th.S Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường Kinh doanh, Viện CIEM: Những khó khăn chính mà doanh nghiệp gặp phải khi giao dịch với EU và các nước Á – Âu là chất lượng hàng hóa, thiết kế, đóng gói và thiếu thông tin về thị trường.

Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hiện 78% doanh nghiệp cho rằng họ cần các biện pháp hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước để tận dụng tốt nhất cơ hội và vượt qua thách thức từ EVFTA; 72% cho rằng Nhà nước cần có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho doanh nghiệp về EVFTA; 63% nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ quan cung cấp tất cả các thông tin về EVFTA mà doanh nghiệp cần.

Dù thị trường EU luôn rộng mở, nhưng phần lớn các DN Việt vẫn chưa hiểu rõ về các cơ chế thuế quan, thị trường và tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước này.
Dù thị trường EU luôn rộng mở, nhưng phần lớn các DN Việt vẫn chưa hiểu rõ về các cơ chế thuế quan, thị trường và tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước này.

Theo nhận định từ Viện CIEM, áp lực cải cách từ các hiệp định tự do song và đa phương đang là rất lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường và năng lực cạnh tranh tại Việt Nam còn quá yếu.

Điểm lại từ năm 1995 và đặc biệt là sau khi ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và gia nhập WTO, quá trình cải cách thể chế và kinh tế đã được tăng tốc mạnh mẽ. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều FTA khác. Gần đây nhất là TPP và EVFTA với những cam kết vượt ra ngoài phạm vi việc loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại. Với những "FTA thế hệ mới", cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, môi trường và các đặc điểm của điều kiện kinh doanh tại Việt Nam phần nào vẫn còn tồn tại hạn chế. Từ khi Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014 đã đơn giản và minh bạch hơn về quá trình phê duyệt dự án đầu tư, điều này khiến chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2016 tăng 6 bậc so với năm 2015, từ thứ hạng 125 lên 119 trên 189 quốc gia.

Tuy nhiên, bảo vệ nhà đầu tư vẫn là một điểm yếu của Việt Nam, hiện Việt Nam chỉ đạt là 4,7/10 điểm, xếp thứ 100 trên 140 quốc gia. Đơn giản hóa các thủ tục giải quyết tranh chấp và thực thi hợp đồng là một biện pháp khả thi để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Liên quan đến cạnh tranh và doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam hiện xếp thứ 71/140 về thị trường cạnh tranh, 77/140 về hiệu quả của chính sách chống độc quyền. Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã được ban hành từ năm 2005 nhưng không có hiệu quả.

Nguyễn Tuyền