Khởi nghiệp cùng AWS, startup nhanh tay giải "bài toán nóng" của xã hội
(Dân trí) - Tận dụng những lợi thế cạnh tranh từ trí tuệ nhân tạo và hạ tầng đám mây của AWS, startup công nghệ JobHopin đang giải "bài toán nóng" thời hậu Covid khiến nhiều lao động điêu đứng.
Khác với sự im ắng thường thấy vào dịp cuối năm, người lao động trên khắp thế giới đang tích cực tìm kiếm những cơ hội tốt hơn sau một thời gian dài trì trệ bởi đại dịch Covid-19.
Đây được xem là cơ hội "trời trao" cho những công ty tuyển dụng, khi họ sẽ có sẵn trong tay một lượng lớn nhu cầu từ thị trường. Tuy nhiên khi đối mặt với một lượng lớn thông tin được gửi về, xử lý thế nào cho hiệu quả lại là cả một câu chuyện khác.
Lợi thế của trí tuệ nhân tạo (AI)
"Các trang tuyển dụng online có tiếng trên thị trường hiện tại có một nguồn dữ liệu khổng lồ, song trong gần 10 năm phát triển, họ chưa thể khai thác hiệu quả", ông Kevin Tùng Nguyễn - CEO kiêm sáng lập tại JobHopin nhận định. Cùng lúc đó, các công ty vẫn phải cạnh tranh gay gắt và nỗ lực hết mình để thu hút nhân tài từ thời đại số.
Ra đời năm 2017, startup này sử dụng AI và machine learning để tự động hóa quy trình tuyển dụng. Công nghệ tuyển dụng bằng trí tuệ nhân tạo của JobHopin giúp tối ưu hóa việc kết nối nhân tài phù hợp nhất với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ tìm được ứng viên phù hợp trong thời gian ngắn nhất với chi phí thấp hơn nhiều so với các kênh tuyển dụng truyền thống.
Theo tính toán của JobHopin, Đông Nam Á là thị trường lao động dồi dào với khoảng 60 triệu lao động trong ngành kinh tế tri thức. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng hầu như chưa có sự thay đổi và có những vị trí cần hơn 1 tháng, thậm chí nhiều tháng để tuyển dụng được một nhân sự thích hợp qua sàng lọc hồ sơ thủ công.
Để giải bài toán ấy, một trong những lựa chọn hàng đầu đó là ứng dụng thuật toán sử dụng AI nhằm tạo ra lợi thế về cạnh tranh và chi phí. CEO Kevin cho biết tính từ năm 2018 đến nay, mỗi năm JobHopin đều tăng trưởng gấp 3 lần về doanh nghiệp cũng như về khả năng công nghệ của AI.
Logo của JobHopin - là một chú thỏ trông rất đáng yêu - cũng được lấy cảm hứng từ trí tuệ nhân tạo tên Bunny AI mà đội ngũ công nghệ của startup này đang xây dựng và phát triển. Đến nay, AI đã đọc được văn bản tiếng Việt, không những hệ thống hay dữ liệu về CV, mô tả công việc bằng tiếng Việt mà còn sử dụng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt cho những khách hàng như của Nhật hay Hàn Quốc.
Được biết, JobHopin sẽ sử dụng công nghệ AI này để dẫn dắt doanh nghiệp gặp gỡ chính xác nhất dựa theo nhu cầu của mỗi ứng viên. "Sau khi phân tích được khối lượng dữ liệu hồ sơ ứng viên và công việc khổng lồ từ các bên, nền tảng Bunny AI sẽ đưa ra những phân tích kết nối, giá trị thị trường "real-time" nhất", CEO Kevin miêu tả cách JobHopin vận hành.
"Ngày xưa mọi người nghĩ AI là cái gì đó rất xa vời, rất khó để ứng dụng", CEO JobHopin khẳng định. "Đến nay, câu hỏi không phải là "có nên ứng dụng AI không", mà là "ứng dụng làm sao" để có hiệu quả nhất, để vừa tối ưu được chi phí, bảo mật cao, có tính mở rộng quy mô lớn theo mức độ phát triển của doanh nghiệp".
Khởi nghiệp "tiết kiệm" là yếu tố cốt lõi
Theo chia sẻ của CEO Kevin, từ 2016 đến nay, JobHopin đã làm việc với hơn 7-8 nghìn doanh nghiệp, từ những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn như Techcombank, VinGroup rồi những doanh nghiệp quốc tế như DHL, và rất nhiều startup công nghệ Việt Nam.
Tính đến nay, JobHopin có khoảng hàng triệu hồ sơ người dùng thuộc nhóm trí thức tại Việt Nam được kích hoạt mỗi tháng, đồng thời gọi vốn được hơn 3 triệu USD từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu trên thế giới và trong khu vực.
Để đạt được những thành công ấy, việc có được một hạ tầng đủ tốt với tính quy mô nhanh và chi phí thuận tiện, theo CEO Kevin Tùng Nguyễn, là một điểm mấu chốt trong việc triển khai hệ thống thành công.
Đây cũng là lý do khiến JobHopin lựa chọn Amazon Web Services (AWS) làm đối tác từ những ngày đầu tiên để không chỉ giải quyết các vấn đề khi nó đang xảy ra, mà còn quản lý hệ thống để tránh được những lỗ hổng hệ thống xảy ra trong tương lai.
CEO Kevin cho biết khi mới khởi nghiệp, không có đủ chi phí trang trải cho hạ tầng, thì AWS đã sẵn sàng hỗ trợ cả trăm nghìn đô la dạng AWS credits về chi phí sử dụng công nghệ đám mây và phân tích dữ liệu cho JobHopin thông qua AWS Activate - một chương trình hỗ trợ cho các startup giai đoạn đầu. "Dù có được sự đầu tư vài triệu đô, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của AWS giai đoạn đầu, có lẽ JobHopin khó kiểm soát và phát triển nhanh như những năm qua", CEO Kevin nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi phối hợp với AWS, các doanh nghiệp sẽ được tư vấn lựa chọn giải pháp giúp tối ưu hóa về chi phí, cũng như giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về cơ sở hạ tầng công nghệ của mình hiện tại "lớn, nhỏ hay sắp tới sẽ bùng nổ như thế nào". "Tiết kiệm" sẽ là yếu tố được đặt lên hàng đầu, CEO Kevin nhấn mạnh.
Sự khác biệt là AWS tư vấn cho các doanh nghiệp một cách tận tâm như đối tác, chứ không như những bên khác vì mong muốn đạt con số mà tư vấn doanh nghiệp bỏ thật nhiều tiền. Đó là đặc điểm được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nhắc đến khi cùng đồng hành với AWS từ những ngày đầu tiên.
Như tỷ phú đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen tại Thung lũng Silicon từng nói, môi trường điện toán đám mây của AWS đã giúp giảm chi phí từ 150.000 USD xuống còn 1.500 USD để khởi nghiệp, tức là tạo ra giá trị hàng trăm lần về mặt chi phí.
Không chỉ vậy, AWS cũng mang đến nhiều giải pháp mới, nhằm thích ứng và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp để cùng nhau "vượt khó" thời Covid-19. "Cái hay của AWS là luôn có những sản phẩm mới mang tính đột phá, thí dụ như mình không cần dùng toàn bộ chi phí vào một nơi, mà có thể chia sẻ với các doanh nghiệp khác nếu họ cần, mà vẫn đảm bảo được tính bảo mật và khả năng mở rộng của hệ thống", CEO Kevin cho biết.
Nhờ đó mà không chỉ thúc đẩy từ 1 đến 2 doanh nghiệp đối tác, AWS đã và đang tạo ra "bệ phóng" cho cả một cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trước những rào cản từ đại dịch.