Khối lượng gas nhập khẩu tăng khó hiểu!
(Dân trí) - Trong khi giá thế giới lên cao thì các doanh nghiệp trong nước lại nhập khẩu về khối lượng gấp đôi, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tổng cục Thống kê sáng nay (27/2) vừa công bố số liệu nhập khẩu khí đốt hóa lỏng trong tháng 2/2011.
Theo đó, trong tháng, cả nước nhập 70.000 tấn khí đốt hóa lỏng trị giá 75 triệu USD. Cộng dồn cả 2 tháng đầu năm, lượng khí đốt hóa lỏng nhập về là 142.000 tấn, trị giá 142 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng khí đốt hóa lỏng nhập về 2 tháng đầu năm 2012 tăng 203,6% về lượng và 216,5% về trị giá.
Hiện giá gas trên thị trường đang biến động đi lên rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong tháng 1, giá gas tăng tới 32.000 đồng/bình 12kg, lên 382.000 - 397.000 đồng/bình. Mức giá bán lẻ không ngừng được đẩy lên cao, thêm 42.000 đồng/bình lên 425.000 - 464.000 đồng/bình.
Mức giao động này được lý giải do giá gas thế giới tăng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào biểu thống kê của Tổng cục Hải quan và con số của Tổng cục Thống kê, hoạt động của các doanh nghiệp nhập gas về trong mối tương quan với giá là rất khó hiểu.
Đơn giá nhập khẩu bình quân gas nhập khẩu trong tháng này rơi vào khoảng trên 1.000 USD/tấn. Mức này thậm chí cao hơn đơn giá hồi tháng 1 là 921 USD/tấn và tăng mạnh so giá bình quân nhập khẩu tháng 12/2011, chỉ 802 USD/tấn.
Song điều đáng nói là tại thời điểm giá gas thế giới thấp thì các doanh nghiệp gas trong nước lại chỉ nhập về 35.000 tấn. Đến lúc giá gas tăng vọt lại nhập về gấp đôi. So tháng 1, lượng nhập về không giảm là bao.
Động thái này đứng trên góc độ kinh doanh đơn thuần để “cắt nghĩa” thì không hợp lý bởi khi giá tăng, cầu sẽ giảm.
Thứ nữa, việc giá gas tăng đột biến như thời gian vừa qua là vô lý. Bởi, nếu chỉ xét riêng con số do phía Hải quan cung cấp (mới đến tháng 1) thì so với tháng 1/2011, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng tăng 14,9 triệu USD, chủ yếu là do lượng nhập khẩu tăng cao (tăng 17,4 triệu USD), trong khi đó yếu tố giá giảm làm kim ngạch giảm 2,5 triệu USD.
Rõ ràng, hoạt động nhập khẩu một cách khó hiểu vừa qua của các doanh nghiệp gas trong nước đã gây ra một tác động tiêu cực nhãn tiền là khiến tăng nhập siêu, bên cạnh đó còn làm thiệt hại đến người tiêu dùng và nền kinh tế.
Bởi, trong những tháng tới, với lượng nhập khẩu nhiều như thế này, cả khi giá gas thế giới đi xuống thì người tiêu dùng vẫn phải sử dụng sản phẩm với giá của thời điểm hiện tại.
Còn nếu những lô hàng đã nhập khẩu từ những tháng trước mà vẫn bán với giá của tháng 1, tháng 2 thì người tiêu dùng đang bị thiệt.
Trong một động thái liên quan, mới đây, Người lao động dẫn phát ngôn của ông Đỗ Trung Thành, Phó Phòng Kinh doanh gas Saigon Petro, cho biết, Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống còn 2%.
Bích Diệp