1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khối bất động sản thế chấp gần 2,3 triệu tỷ đồng tại Agribank

Thảo Thu

(Dân trí) - Tài sản thế chấp là bất động sản tại Agribank đến cuối năm 2022 là gần 2,3 triệu tỷ đồng, cao gấp gần 1,6 lần dư nự cho vay là 1,44 triệu tỷ đồng.

Giá trị bất động sản thế chấp lớn nhất hệ thống

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây công bố báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2022. Ngân hàng này năm vừa rồi thu về gần 60.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng gần 30% so với năm 2021.

Các chỉ tiêu khác cũng tăng trưởng 2 chữ số gồm lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 2.857 tỷ, tăng 89%. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ thu hồi, xử lý nợ) đạt 9.825 tỷ đồng, tăng 21%.

Dù thế, lãi từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 5% so với cùng kỳ còn 4.110 tỷ đồng. Thực tế, thu từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng dương song chi phí cho hoạt động này lại tăng lên làm lãi sụt giảm.

Agribank lãi trước thuế năm 2022 đạt 22.087 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước đó, đứng thứ 5 về lợi nhuận toàn ngành, sau Vietcombank, Techcombank, BIDV và MB. 

Đáng chú ý, dù không phải ngân hàng có tổng tài sản và số dư cho vay khách hàng lớn nhất (sau BIDV) nhưng Agribank là nhà băng có giá trị tài sản thế chấp và giá trị bất động sản thế chấp lớn trong hệ thống.

Cụ thể, tài sản thế chấp tại Agribank đến hết năm 2022 là 2,53 triệu tỷ đồng. Ngoài Agribank, có 3 đơn vị có tài sản thế chấp đạt trên 2 triệu tỷ đồng đều thuộc nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) gồm VietinBank (2,5 triệu tỷ đồng), BIDV (2,46 triệu tỷ đồng), Vietcombank (2,1 triệu tỷ đồng).

Trong khối tài sản nhận thế chấp hơn 107 tỷ USD quy đổi này, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm trước và cao gấp gần 1,6 lần so với tổng dư nợ cho vay là 1,44 triệu tỷ đồng. Chỉ tiêu này cũng chiếm 90% tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng. Trong cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng, chiếm phần lớn là 1,438 triệu tỷ đồng được Agribank cho tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước vay.

Agribank cũng là ngân hàng duy nhất trong hệ thống nắm giữ giá trị tài sản thế chấp bằng bất động sản vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Cứ mỗi đồng cho vay tại Agribank lại được đảm bảo bởi 1,6 đồng tài sản thế chấp là bất động sản.

Số dư nợ xấu tại nhà băng này luôn ở mức cao, vào khoảng 26.000 tỷ đồng đến cuối năm 2022, tăng 2% so với năm trước. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm 73% nợ xấu với 19.000 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu của Agribank có xu hướng giảm từ mức 1,94% năm 2021 xuống còn 1,81% năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro mà Agribank trích cho năm 2022 là 27.160 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021.

Khoản phải thu nội bộ tăng mạnh

Tại ngày 31/12/2022, các khoản phải thu của Agribank là 9.462 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Trong đó, các khoản phải thu nội bộ tăng mạnh từ hơn 660 tỷ đồng lên 2.961 tỷ đồng. Các khoản phải thu bên ngoài giảm từ hơn 7.066 tỷ đồng về 6.501 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong các khoản phải thu bên ngoài là phần phải thu Ngân sách Nhà nước về hỗ trợ lãi suất (2.493 tỷ đồng) và chi phí xây dựng công trình (1.433 tỷ đồng).

Năm vừa rồi, phát hành giấy tờ có giá của Agribank tăng mạnh 50.000 tỷ đồng lên 78.462 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại phát hành giấy tờ có giá nhằm huy động vốn. Hơn 37.000 tỷ đồng trong chỉ tiêu giấy tờ có giá là chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng là 24.480 tỷ đồng, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm là 12.996 tỷ đồng. Agribank cũng phát hành thêm 12.431 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Tăng hơn 1.500 nhân sự, thu nhập bình quân vượt 30 triệu đồng/tháng

Đến hết năm 2022, số lượng nhân viên là 39.591 người, tăng 1.545 người so với năm 2021 và là đơn vị có số lượng nhân viên đông nhất toàn ngành. Dù vậy, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên vẫn vượt 30 triệu đồng/tháng.

Theo thuyết minh của nhà băng, năm vừa rồi, trung bình mỗi nhân viên tại đây có thu nhập 30,4 triệu đồng/tháng, tăng 3,21 triệu đồng/tháng so với năm 2021.

Ngân hàng hiện có 5 công ty con gồm Công ty cho thuê tài chính I, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản, Công ty Chứng khoán Agribank và Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.