“Khốc liệt thời Covid-19 là lúc doanh nhân thể hiện bản lĩnh, sự vững vàng”

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng đây cũng chính là lúc để các doanh nhân thể hiện bản lĩnh, sự vững vàng của mình.

Trò chuyện với Dân trí nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng đây cũng chính là lúc để các doanh nhân thể hiện bản lĩnh, sự vững vàng của mình.

Theo dõi tình hình kinh tế - xã hội hơn 9 tháng qua, ông có nhận định thế nào về sức khỏe của các doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Đỗ Văn Sinh: Việt Nam và thế giới đã và đang trải qua đại dịch Covid-19 với những thử thách khốc liệt chưa từng có, các doanh nghiệp đều bị tác động rất nặng nề.

“Khốc liệt thời Covid-19 là lúc doanh nhân thể hiện bản lĩnh, sự vững vàng” - 1
Ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí.

Không chỉ khó khăn, mà là cực kỳ khó khăn. Kinh tế 9 tháng năm nay đạt mức tăng trưởng thấp kỷ lục 2,12%. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh… Đó là trăn trở rất lớn.

Nền kinh tế chúng ta là kinh tế mở. Rất nhiều doanh nghiệp phát triển phụ thuộc vào hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam kiểm soát dịch tốt rồi nhưng thế giới vẫn có diễn biến phức tạp thì chúng ta không thể hồi phục nhanh chóng.

Thêm nữa, chúng ta vẫn còn những khó khăn nội tại đã đề cập lâu nay nhưng chưa xử lý được đó là năng suất lao động thấp, doanh nghiệp chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính, vấn đề quản trị còn nhiều trở ngại…

Khi dịch bệnh kéo dài, thị trường chịu tác động, tích luỹ tài chính của doanh nghiệp không đủ lớn sẽ vô cùng khó khăn. Vừa qua hệ thống ngân hàng cũng cởi mở nhưng điều kiện vẫn là vô cùng khó với doanh nghiệp trong bối cảnh này. Chúng ta cũng có những chính sách hỗ trợ về tài khoá nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thậm chí ngừng sản xuất.

Vậy theo ông điều gì là cần thiết để giúp cộng đồng doanh nghiệp phục hồi trước khó khăn?

-Chính phủ đã đưa ra khá kịp thời gói hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua đại dịch, tuy nhiên, việc thực thi gói hỗ trợ này trên thực tế đã không đạt kết quả như mong muốn.

Tôi cho rằng chúng ta buộc phải có chính sách mạnh hơn. Hiện nay chúng ta có nhiều chính sách cho vay cho doanh nghiệp, nhưng bản thân các ngân hàng vì an toàn hệ thống họ không thể giảm các điều kiện cho vay được.

Vậy làm sao để doanh nghiệp sống sót rồi phát triển quay trở lại? Tôi cho rằng nên theo hướng thêm chính sách cho một số quỹ như quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo lãnh tín dụng…

Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với lãi suất thấp, từ nguồn vốn đó chuyển quay trở lại để cho doanh nghiệp vay thông qua các định chế (như Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển...). Với chính sách bà đỡ như vậy, hy vọng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ hiệu quả.

Tuy nhiên, khi cho vay thì cũng cần có những đối tượng ưu tiên rõ ràng, hướng tới những doanh nghiệp có sản phẩm mang thế mạnh, không cứng nhắc quá nhưng cũng không tràn lan, kém hiệu quả.

Từ khi thành lập ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đến nay đã trải qua 16 năm. Ông nhìn nhận về sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ra sao trong những năm trở lại đây? Bao giờ Việt Nam sẽ có cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh với nhiều tập đoàn đa quốc gia, sức cạnh tranh mang tầm quốc tế?

-Có hai vấn đề rất quan trọng, chúng ta muốn đứng vững, phát triển, có tên tuổi trên thị trường thì phải có công nghệ tiên tiến, nguồn lực về mặt lao động, tài chính. Nếu không có những cái đó chúng ta chỉ đi sau thôi.

Các doanh nghiệp phải làm tốt ngay thị trường nội địa, nếu thị trường trong nước còn bị lấn át, bị “vượt mặt” thì rất khó để nói chuyện thống lĩnh thị trường quốc tế.

Ở Việt Nam hiện nay, cũng đã có rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh, được xếp hạng. Họ chuyên nghiệp, họ bản lĩnh, họ gây tiếng vang trong khu vực, quốc tế, họ có được niềm tin đối với người tiêu dùng. Đó là điểm đáng tự hào.

Hy vọng Việt Nam ngày càng có những doanh nhân tài ba, bản lĩnh mang tầm thế giới, những tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh. Nhưng thực sự còn rất nhiều trở ngại phía trước. Chúng ta phải biết mình đang đứng ở đâu so với thế giới. Chúng ta có khát vọng nhưng đừng viển vông và phải biết chúng ta đang ra sao để nỗ lực.

Thể chế của chúng ta thời gian vừa qua đang cởi mở rất nhiều. Chúng ta ký nhiều hiệp định thương mại. Do vậy, chúng ta buộc phải thay đổi để có thể tham gia vào sân chơi thế giới. Điều quan trọng vẫn là câu chuyện thực thi ra sao để cả hệ thống vận hành thông suốt, trơn tru, xây dựng được môi trường kinh doanh thực sự tốt.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có điều gì muốn chia sẻ, nhắn nhủ?

-Đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng lớn, không thể phủ nhận. Vì những lý do lịch sử, giới doanh nhân từng bị coi là đối tượng cần cải tạo, từng bị coi là con phe con buôn. Hình ảnh họ không mấy tốt đẹp. Nhưng nay hoàn toàn khác, toàn bộ hệ thống chính trị nhận thức rất rõ về vai trò, sự quan trọng của họ trong công cuộc phát triển đất nước. Doanh nghiệp, doanh nhân là động lực của nền kinh tế.

Đất nước cần có nhiều hơn những “con chim đầu đàn”, những doanh nhân “bay cao bay xa” không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng đến rất tầng lớp trong xã hội. Nhưng đây cũng là thời điểm để các doanh nhân thể hiện bản lĩnh, sự vững vàng của mình. Chúng ta vẫn nói lãnh đạo thể hiện vai trò rõ nhất trong lúc khó khăn.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!