Khoảng 30 tổ chức tín dụng sẽ mua bán nợ với VAMC?

(Dân trí) - Tổng hợp từ báo cáo của 124 tổ chức tín dụng trong nước cho thấy, tính đến hết tháng 5, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức 4,65%. Trong đó có khoảng 30 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu của mình ở mức trên 3%.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức 4,65% (ảnh minh họa).
Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức 4,65% (ảnh minh họa).

Thông tin từ thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 5, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức 4,65%. Đây là số liệu tổng hợp từ báo cáo của 124 tổ chức tín dụng trong nước.

Trong đó, có khoảng 30/124 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu của mình ở mức trên 3%, chiếm khoảng 1/4 số lượng tổ chức tín dụng hiện nay.

Chiếu theo quy định trong Nghị định 53 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC), những tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ bắt buộc phải tham gia mua bán nợ với VAMC.

Sau khi mua các khoản nợ từ các tổ chức tín dụng, VAMC thực hiện điều chỉnh lãi suất của các khoản nợ chỉnh mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ đã mua về mức không cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, tổ chức tín dụng nào khai báo không đúng tỷ lệ nợ xấu của mình sẽ bị tiến hành thanh tra, xử lý.

Theo Ngân hàng Nhà nước, VAMC dự kiến sẽ xử lý được khoảng 80.000 tỷ đồng - 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% - 40%.

Như vậy, với quy định tỷ lệ Công ty Quản lý tài sản được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của Công ty Quản lý tài sản là 320 tỷ - 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của Công ty Quản lý tài sản là khoảng 60 tỷ - 160 tỷ đồng. Mức dự kiến này sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của Công ty Quản lý tài sản.

Còn nhớ, vào chiều 30/5, trong khuôn khổ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Sau gần 1 năm thực hiện, tính từ tháng 4/2012 đến hiện nay, tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp đã lên tới 284.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012, tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn này xấp xỉ 70.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm nay đã tiếp tục xử lý bằng nguồn này được 7,5 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, hệ thống ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng được 68.000 tỷ đồng để đến cuối năm tiếp tục xử lý nợ xấu.

“Với những nỗ lực của chính hệ thống ngân hàng, chúng ta đã tháo gỡ được 1 phần rất lớn của nợ xấu, kiềm chế được tốc độ gia tăng của nợ xấu khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền