Khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng đe doạ, Vietnam Airlines chờ “cấp cứu”

(Dân trí) - Hãng hàng không lớn nhất nước có thể sẽ phải gánh lỗ tới 20.000 tỷ đồng nếu không có biện pháp mạnh và kịp thời. Hãng này đã dời lịch họp ĐHĐCĐ tới hai lần liền và tài liệu họp vẫn chưa chuẩn bị xong

Khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng đe doạ, Vietnam Airlines chờ “cấp cứu” - 1

Vietnam Airlines được cho biết đã rơi vào tình trạng thanh khoản suy kiệt, dòng tiền âm 

Đối mặt lỗ “khủng”, chờ cứu trợ 12.000 tỷ đồng

Trong bối cảnh giằng co của thị trường chung, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines hôm qua (15/7) có nhích nhẹ 0,2% lên 26.450 đồng.

Mã này đang diễn biến khá tích cực dù rằng phiên họp thường niên của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2020 đã liên tục bị hoãn. Phiên họp này nhẽ ra đã được tổ chức vào ngày 29/66 nhưng được lùi xuống ngày hôm nay (16/7). Sau đó, hãng bay lại thông báo dời lịch lần thứ hai đến 28/7 do chưa hoàn thành công tác chuẩn bị nội dung. Hiện tại, Vietnam Airlines cũng chưa công bố tài liệu cho cuộc họp quan trọng này.

Tình hình tài chính - kinh doanh của Vietnam Airlines hiện được cho là đang rất khó khăn. Trong cuộc toạ đàm với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng ngày 13/7, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng ước tính doanh thu sẽ bị sụt giảm mạnh còn phân nửa so với cùng kỳ (đạt khoảng 50.000 tỷ đồng). Hãng bay quốc gia đối mặt khoản lỗ sau thuế khoảng 13.000 tỷ đồng trong năm nay. Nếu không có những biện pháp mạnh và kịp thời thì con số lỗ có thể lên đến 20.000 tỷ đồng.

Con số này đã được tính toán bao gồm các giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao theo Nghị định mới và áp dụng chính sách thuế xăng dầu (giảm bớt được lỗ 2.200 tỷ so với con số ước tính ban đầu là lỗ hơn 15.000 tỷ).

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, cũng như các hãng khác, sau khi đóng toàn bộ đường bay quốc tế từ 23/3, doanh nghiệp không có doanh thu vận tải hàng không quốc tế. Sản lượng khách nội địa được đẩy mạnh trong giai đoạn phục hồi nhưng tính riêng tháng 6, cũng đạt 84% so với tháng 6/2019 và doanh thu chỉ bằng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình của “ông lớn hàng không” được cho biết là đang “suy kiệt” về dòng tiền, thâm hụt khoảng 16.000 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 14.000 tỷ đồng). Từ nay đến cuối tháng 8, Vietnam Airlines cho biết hết sức khó khăn về thanh khoản nên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán diễn biến khó lường

Với thanh khoản không cải thiện, thị trường dần đuối về cuối phiên trong ngày hôm qua (15/7). Theo đó, chỉ số chính VN-Index tuy vẫn giữ trạng thái tăng nhưng chỉ còn tăng 1,8 điểm tương ứng 0,21% còn 869,91 điểm. HNX-Index giảm 0,23 điểm tương ứng 0,2% còn 115,91 điểm và UPCoM-Index nhích nhẹ 0,04 điểm tương ứng 0,08% lên 56,98 điểm.

Thanh khoản đạt 258,29 triệu cổ phiếu tương ứng 4.465,52 tỷ đồng trên sàn HSX và 29,63 triệu cổ phiếu tương ứng 308,79 tỷ đồng trên sàn HNX. Thị trường UPCoM ghi nhận 14,42 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 174,39 tỷ đồng.

Điểm tích cực là độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng rõ rệt về phía các mã tăng giá. Có 414 mã tăng, 52 mã tăng trần so với tổng cộng 291 mã giảm, 35 mã giảm sàn.

Nhiều mã lớn tăng giá nhưng mức tăng không lớn. VNM tăng 800 đồng lên 116.000 đồng, VHM tăng 600 đồng lên 81.100 đồng, TCB tăng 500 đồng lên 20.600 đồng, VCB tăng 500 đồng lên 83.500 đồng; VPB, VRE, HDB, HPG, BID, CTG… đều tăng giá.

Chính vì mức tăng khiêm tốn nên ảnh hưởng của các mã này lên VN-Index không tạo nên được đột phá cho chỉ số.

Trong khi đó, thị trường vẫn ghi nhận có những mã lớn bị sụt giá như SAB giảm tiếp 3.500 đồng xuống 191.500 đồng, VIC giảm 800 đồng còn 90.500 đồng, MSN giảm 300 đồng còn 55.700 đồng, GAS giảm còn 72.100 đồng… Tương tự, những mã này cũng không tác động mạnh đến chỉ số chung.

Giữ lúc thị trường giao dịch lình xình thì HQC của Địa ốc Hoàng Quân sôi động hơn hẳn với khối lượng khớp lệnh lên tới 23,18 triệu cổ phiếu và tăng giá nhẹ lên 1.830 đồng. HAG khớp 12,49 triệu cổ phiếu nhưng ngược lại giảm giá xuống mức 4,650 đồng. HPG, HBC, HSG, FLC cũng là những mã có thanh khoản nổi trội hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Giới phân tích đang có những quan điểm khá cách biệt về triển vọng của thị trường trong phiên hôm nay (16/7).

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện tại, thị trường đang đi ngang, tuy nhiên điểm tích cực là có nhiều cổ phiếu lại đi lên mạnh mẽ do có thể là kết quả kinh doanh quý II khởi sắc.

Như vậy, nhà đầu tư chú tâm vào các báo cáo tài chính của các công ty niêm yết hơn là đánh giá xu hướng chung của thị trường để xác định các khoản đầu tư của mình hợp lý hơn.

Còn chuyên gia phân tích tại Chứng khoán BSC lại đánh giá, thanh khoản thị trường tăng nhẹ trở lại, độ rộng thị trường chuyển sang xu hướng tích cực và biên độ thị trường thu hẹp cho thấy dấu hiệu giao dịch tích cực đang trở lại thị trường.

Với việc hợp đồng tương lai tháng 7/2020 hết kỳ hạn vào phiên thứ năm cùng với OPEC kết thúc buổi họp vào hôm qua, BSC dự báo, thị trường nhiều khả năng sẽ có biến động mạnh vào hai phiên cuối tuần.

Mai Chi