Khoác áo mới giấc mơ ô tô Việt: Vẫn xa vời lắm!

Để tạo ra được ô tô mang thương hiệu Việt chất lượng tốt, giá rẻ cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá cụ thể thị trường và phân khúc khách hàng.

Mới đây, tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam, các Bộ, ngành được chỉ đạo tập trung đẩy mạnh phát triển ngành này trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh.

Mục tiêu đề ra là phát triển ngành công nghiệp ôtô để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế liên kết, hợp với các tập đoàn lớn trên thế giới tham gia nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp…

Đặc biệt ô tô mang thương hiệu Việt Nam phải gắn với chất lượng tốt, giá cả phù hợp khả năng chi trả của người dân và cạnh tranh trong thị trường khu vực, thế giới.

Các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp sản xuất ôtô cần tiến hành tái cấu trúc trên cơ sở xác định dòng sản phẩm chủ lực, đặc trưng, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó nhà nước sẽ có điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện, phụ tùng ô tô, phát triển ngành công nghiệp ô tô gắn với thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu...


Xây dựng ô tô thương hiệu Việt chất lượng tốt, giá phù hợp. Ảnh minh họa

Xây dựng ô tô thương hiệu Việt chất lượng tốt, giá phù hợp. Ảnh minh họa

Cái khó của Việt Nam

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô – Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM bày tỏ nhiều băn khoăn.

Theo TS Nhân việc tiếp tục đưa ra các giải pháp mới nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cho thấy quyết tâm của các Bộ, ngành trong việc tạo ra một sản phẩm “Made in Viet Nam”.

Tuy nhiên theo TS Nhân cần phải phát triển về chiều sâu công nghệ, kỹ thuật, nguồn nhân lực có chất lượng cao thay vì đưa ra những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích mang tính tạm thời.

Đặc biệt hiện nay trong điều kiện kinh tế thị trường, TS Nhân cho rằng khi đầu tư vào bất cứ một lĩnh vực gì, kể cả ô tô, doanh nghiệp đều đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu chứ không đặt bài toán ưu tiên vì mục tiêu chung.

“Nếu không có lợi nhuận thì doanh nghiệp làm sao tồn tại được. Mục đích của chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay phát triển ngành công nghiệp ô tô để có vị thế lại là chuyện khác.

Chúng ta phải cho họ thấy sẽ được hưởng lợi gì từ việc đầu tư cũng như thấy được chiều sâu trong chiến lược sản xuất ô tô chứ không nên đưa ra những biện pháp mang tính thời điểm. Như vậy rất khó níu kéo doanh nghiệp.

Vấn đề thu hút các doanh nghiệp sản xuất những công nghệ , máy móc đáp ứng được nhu cầu không phải một sớm, một chiều. Chúng ta đã từng làm rồi nhưng mà không được.

Các tập đoàn không bao giờ chịu thiệt cả vì họ làm chủ trận đấu. Chúng ta chỉ sản xuất lắp ráp là chính và phụ thuộc họ rất nhiều. Đây thật sự là bài toán nan giải”, TS Nhân nhấn mạnh.

Về việc ưu tiên giảm thuế nhập khẩu linh kiện, TS Nhân khẳng định cần phải nhìn nhận thật sự nghiêm túc. Bởi lẽ nếu không có những đánh giá đầy đủ nhất thì doanh nghiệp Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài và sẽ dần dần bị các tập đoàn lớn khống chế, thâu tóm.

Đặc biệt, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam chỉ dừng lại ở chỗ lắp ráp. Chúng ta chưa đi vào công nghệ chế tạo và đặc biệt là các chi tiết đòi hỏi trình độ kỹ thuật và máy móc công nghệ hiện đại.

"Nếu chúng ta đơn giản hỗ trợ thuế nhập khẩu thì những doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong không đủ nội lực để cạnh tranh. Chúng ta đang đi sau và trễ so với nhiều nước trong công nghiệp ô tô. Do đó các doanh nghiệp sẽ không dại gì sử dụng các linh kiện trong nước khi hàng nhập khẩu chất lượng tốt và giá thành tương đối rẻ.

Như vậy thì chủ trương tăng tỷ lệ nội địa hóa lên sẽ không đạt được. Các doanh nghiệp trong nước sẽ mất dần vị thế. Các tập đoàn lớn sở hữu về công nghệ, kỹ thuật sẽ làm chủ và nắm quyền.

Doanh nghiệp trong nước muốn sản xuất ô tô bắt buộc phải nhập khẩu linh kiện ô tô. Tuy nhiên không phải đơn giản có tiền là chúng ta mua được giá rẻ. Họ sẽ đặt điều kiện với chúng ta. Nếu chúng ta mua nhiều linh kiện thì sẽ giá rẻ, còn nếu bỏ các chi tiết khác thì giá có thể sẽ cao hơn”, TS Nhân băn khoăn.

Thị trường gặp nhiều cạnh tranh

TS Trần Anh Tuấn – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, ĐBQH TP.HCM cũng thừa nhận ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Yếu tố đầu tiên được vị chuyên gia nhắc đến, đó là thị trường ôtô đang cạnh tranh rất cao. Trong khu vực, ô tô thương hiệu của Trung Quốc, Ấn Độ rất rẻ và đa dạng.

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia đi đầu về công nghiệp ô tô của châu Âu đều có những tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất lâu đời, có kinh nghiệm không chỉ về sản xuất mà còn về phân phối, thị trường tiêu thụ.

“Nền sản xuất ô tô của Việt Nam đi sau các nước nhiều năm. Hơn nữa dịch vụ Logistisc hay bảo hiểm của chúng ta hiện nay cũng không bằng Thái Lan, Ấn Độ và bị cạnh tranh. Hệ thống phân phối của Việt Nam chưa mạnh, chưa thật sự thâm nhập vào hệ thống bán lẻ của các nước”, TS Tuấn chia sẻ.

Một vấn đề khác được TS Trần Anh Tuấn nhắc tới đó là thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.

Theo TS Tuấn, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng, tính đa dạng cũng như giá thành sản phẩm. Do đó một bộ phận người tiêu dùng thường e ngại sử dụng hàng Việt và có xu hướng lựa chọn hàng nhập ngoại.

“Với những người có tiền họ thường chọn những thương hiệu ô tô lớn, uy tín trên thế giới để sử dụng. Việc thay đổi 1 hành vi tiêu dùng của người dân cũng là một vấn đề lớn.

Ngoài việc tuyên truyền ra thì các nhà sản xuất trong nước phải chứng minh được rằng sản phẩm làm ra phải có chất lượng và giá cả phải cạnh tranh. Dần dần hành vi tiêu dùng kết hợp với biện pháp tuyên truyền thì có thể sẽ điều chỉnh lại thói quen đó và khuynh hướng tiêu dùng với hàng nội sẽ tăng lên”, TS Tuấn nhấn mạnh.

Phải đánh giá lại nhu cầu của người tiêu dùng

Để có cơ sở phát triển ô tô mang thương hiệu Việt, TS Trần Hữu Nhân cho rằng chúng ta phải xác định lại dòng sản phẩm chiến lược cộng với đầu tư đội ngũ nhân lực.

“Cần phải có chính sách thu hút đội ngũ nhân lực có trình độ, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu. Chúng ta có thể bỏ tiền ra để đầu tư, mua máy móc trang thiết bị hiện đại nhưng chiều sâu công nghệ bên trong, đội ngũ kỹ thuật bên trong thì chưa đạt được. Đây mới là yếu tố quan trọng.

Chúng ta cần tạo ra đội ngũ kỹ thuật hiểu biết để đánh giá các sản phẩm, linh kiện máy móc và ứng dụng vào thực tế.

Đồng thời nên đặt ra mục tiêu công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành một mắt xích nhỏ trong chuỗi toàn cầu chứ không nên hi vọng sản xuất được toàn bộ chiếc ô tô”, TS Nhân nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, TS Trần Anh Tuấn cho rằng khâu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nhu cầu tiêu dùng, phân khúc khách hàng phải được đặt lên hàng đầu. Sau khi hoàn thành bước này, chúng ta mới có các căn cứ để triển khai kế hoạch phát triển ô tô hướng tới số đông, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Phân khúc khách hàng là một vấn đề quan trọng trong việc sản xuất ra dòng sản phẩm ô tô mang thương hiệu việt Nam.

Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sinh sau đẻ muộn nên nếu hướng vào dòng xe hạng sang thì không thể nào cạnh tranh được với những sản phẩm có thương hiệu lớn, bề dày truyền thống trên thế giới.

Do đó theo tôi, chúng ta nên tập trung vào đối tượng khách hàng là những người trung lưu trong xã hội. Đây là tầng lớp hiện đang nhiều tại Việt Nam. Khi phân khúc này chúng ta phát triển và đạt được hiệu quả thì sẽ tính toán đến các đối tượng khách hàng khác”, TS Tuấn nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng nhà nước cần tạo ra các chính sách tốt, lâu dài và cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia vào nền công nghiệp ô tô. Khi doanh nghiệp mặn mà sẽ mời đến các chuyên gia đồng hành.

“Các chuyên gia sẽ chỉ cho họ đường đi nước bước để hình thành công nghiệp chế tạo ô tô. Vấn đề ở đây là thị trường, chủ yếu là thị trường chất xám. Chúng ta phải bán những cái doanh nghiệp cần và không nên quá vội vàng trong việc phát triển công nghiệp ô tô.

Nhà nước khởi động như thế này nhưng tôi tính 5 năm sau may ra một số phần công nghiệp phụ trợ mới có thể hình thành được. Khoảng 10 năm sau thì chúng ta mới có được một ít và khoảng 20 năm sau Made in Việt Nam mới có thể ra đời được theo khái niệm đúng khoảng 20-30 %”, ông Trai khẳng định.

Theo Hà Hoàng
Báo Đất Việt