1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đà Nẵng:

Khó tiếp cận vốn rẻ

(Dân trí) - Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng tổ chức buổi gặp gỡ giữa DN và các ngân hàng trên địa bàn để tìm cách tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Tại buổi gặp gỡ có đại diện hơn 20 ngân hành thương mại và hơn 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng.

Theo đại diện chi nhánh NH Nhà nước Việt Nam CN Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 8/2011, tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 39.680 tỷ đồng, tăng 8,61% so với cuối năm 2010. Trong đó huy động VND 33.398 tỷ đồng, tăng 11,64%; huy động ngoại tệ đạt 6.282 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cuối năm 2010. Dư nợ cho vay đạt 47.138 tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2010. Trong đó, dư nợ phục vụ sản xuất kinh doanh chiếm 76,21% trên tổng dư nợ. Dư nợ thực hiện đối với DNVVN chiếm 42,85% trên tổng dư nợ.
Khó tiếp cận vốn rẻ - 1
Tại buổi gặp gỡ, các DN Đà Nẵng cho rằng rất khó để vay ngân hàng với lãi suất theo chỉ đạo của NH Nhà nước

Có thể nhận thấy, đến nay tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động đã tăng gấp 1,67 lần tốc độ tăng trưởng dư nợ. Tỷ lệ huy động trên dư nợ đã được cải thiện đáng kể so với cuối năm 2010. Nguồn vốn huy động tại chỗ đã đáp ứng được 84,18% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN TP Đà Nẵng ông Đỗ Anh Tuấn, việc NH Nhà nước sử dụng đồng bộ các công cụ như điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thu hẹp biên độ, áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ, thu hẹp trạng thái ngoại tệ... đã tác động tích cực đến thị trường ngoại hối và đã dần hình thành, dịch chuyển các quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng trong thời gian qua, tình hình huy động vốn và cho vay trên địa bàn TP Đà Nẵng đang có những dấu hiệu chệch hướng với tinh thần chỉ đạo của NH Trung ương về việc giảm dần lãi suất.

Ông Tuấn cho rằng trên thực tế, hầu hết các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều huy động tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất cao hơn nhiều so với mức quy định của NH Nhà nước là 14%/năm. Mặt bằng lãi xuất cho vay cũng vì thế mà bị đẩy lên cao (trên 20%/năm), gây khó khăn cho người đi vay, đặc biệt là các DNVVN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho tổ chức tín dụng.

“Mặc dù đã có chỉ đạo của NH Trung ương yêu cầu các tổ chức tín dụng đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xuống 17-19%/năm nhưng thực tế điều này lại tạo rất nhiều áp lực đối với các tổ chức tín dụng, và đối tượng áp dụng trước mắt mới chỉ là những khách hàng truyền thống, có xếp hạng tín nhiệm cao, còn các DNVVN tiếp cận được nguồn vốn vay NH với mức lãi suất này là vô cùng ít. Do không tiếp cận được nguồn vốn vay, thực tế đã có nhiều DN bị phá sản hoặc phải chấp nhận đi vay nóng để giải quyết những thương vụ nhỏ, còn đầu tư cho những dự án khả thi thì DN không có vốn”, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết.
 
Khó tiếp cận vốn rẻ - 2
Nhiều DN thu hẹp sản xuất vì không thể chịu nổi lãi suất vay vốn

Nhiều ý kiến của đại diện các DN đã bày tỏ sự bức xúc của mình trước tình trạng trên, đồng thời đề nghị NH Nhà nước cần nghiêm túc kiểm điểm công tác quản lý, điều hành về các lĩnh vực có liên quan trong thời gian quan, cần có cơ chế, giải pháp đồng bộ, thiết thực và nghiêm khắc, quyết liệt trong công tác quản lý, điều hành về giá, về lãi suất cho vay đối với các ngân hàng, nhất là phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; các NH nên thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ tín dụng làm công tác thẩm định hồ sơ và tin tưởng hơn vào khả năng của các DN, công khai trần lãi suất cho vay tại NH cũng như trên website của mình để DN tìm hiểu.

Đối với các DN, các ý kiến cũng đã đề xuất nên tính toán cơ cấu, bố trí lại sản xuất hợp lý hơn, qua đó sử dụng đồng vốn tự có và đồng vốn vay thật hiệu quả, quan tâm hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt khó. Ngoài ra, các ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách vĩ mô, tăng cường kiểm soát việc cắt giảm đầu tư công và chi tiêu công, ưu tiên phát triển cộng đồng DNVVN thông qua các chính sách khả thi, thực sự bền vững, ổn định lâu dài.

Trước khó khăn về lãi suất cũng như huy động vốn của DN, đặc biệt DNVVN trên địa bàn Đà Nẵng, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cam kết kiểm soát việc thực hiện hạ lãi suất và giải ngân cho vay của các NH đối với các DN theo Chỉ thị số 02 về việc chấn chỉnh mức lãi suất huy động bằng VND và USD của Thống đốc NH Nhà nước. Ngoài ra, ông Minh khẳng định sẽ kéo lãi suất cho vay quay về 17% - 19%/năm, lãi suất huy động về 14%/năm, USD về 2%/năm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho rằng việc CN NH Nhà nước và Hiệp hội DNVVN TP Đà Nẵng tổ chức buổi gặp gỡ này là thiết thực, cần nhiều buổi gặp gỡ tương tự hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Khương đề nghị các NH thương mại công khai lãi suất hiện hành trên các phương tiện truyền thông, trên trang thông tin điện tử và ngay tại nơi giao giao dịch của ngân hàng, đồng thời rà soát lại tổng dư nợ và kế hoạch thu vốn cho vay, liên thông trao đổi với Hội sở để sẵn sàng nguồn tiền mặt cho các DN vay kịp thời, phục hồi sản xuất.

Về phía các DN, cần chủ động trong huy động để làm tăng nguồn vốn tự có. Biện pháp hiệu quả vẫn là phải sắp xếp cơ cấu tổ chức phù hợp, tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, tính toán lại cơ cấu đầu tư… chia sẻ khó khăn chung trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, với quy mô của mình, các DNVVN của Đà Nẵng nên liên kết ngành hàng, chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm thị trường. Nếu thực hiện đồng bộ như vậy, các DN mới có hy vọng vượt qua khó khăn.

 

 Công Bính