Khó khăn, nhiều “ông lớn” vẫn lãi đậm
(Dân trí) - Xét về quy mô lợi nhuận thì TCT Khí Việt Nam và Vinamilk dẫn đầu với con số lãi trên 7.000 tỷ và 3.400 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, khó ai vượt nổi doanh nghiệp ngành điện là PPC với lợi nhuận tăng 560,5% so cùng kỳ.
Danh sách những doanh nghiệp lãi trăm, nghìn tỷ còn chưa đầy đủ do còn nhiều "ông lớn" chưa có BTCT hợp nhất bán niên.
Theo thống kê của Dân trí dựa trên các số liệu mới nhất tại Báo cáo tài chính bán niên các doanh nghiệp niêm yết, tính đến thời điểm hiện tại, 10 doanh nghiệp có cổ phiếu là các bluechip trên sàn chứng khoán đã có tổng lợi nhuận hợp nhất 6 tháng lên tới gần 11.200 tỷ đồng.
Con số này tăng gần 14% so với kết quả cùng kỳ 6 tháng năm 2012. Nửa đầu năm ngoái, tổng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này chỉ ở mức hơn 9.800 tỷ.
Các doanh nghiệp này bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); CTCP Dược Hậu Giang (DHG); Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí - CTCP (DPM); CTCP FPT (FPT); CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG); CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG); CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC); CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), và CTCP Sữa Việt Nam (VNM).
Trong danh sách này có 5 doanh nghiệp đạt lợi nhuận hợp nhất 6 tháng trên 1.000 tỷ đồng là VNM, DPM, PPC, HPG và FPT. Trong đó, “ông lớn” ngành sữa VNM lãi “khủng” nhất, đạt 3.373,62 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lãi lớn còn có DPM với 1.613,22 tỷ đồng, PPC với 1.302,36 tỷ đồng, FPT với 1.058,98 tỷ đồng và HPG với 1.012,66 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có mức lãi ròng thấp nhất trong danh sách này là DHG với 244,5 tỷ đồng, kế đến là HSG với 413,5 tỷ đồng, PVS với 531,6 tỷ đồng. Tuy vậy, giữa bối cảnh mỗi tháng có hơn 4.000 doanh nghiệp giải thể và 25.000 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa 6 tháng đầu năm thì việc gặt lãi hàng trăm tỷ đồng như DHG và HSG cũng đã là kỳ tích.
Ở đây, HSG có niên độ báo cáo tài chính khác với các doanh nghiệp khác, bắt đầu từ 1/10 của năm trước và do vậy từ 1/4-30/6 là quý III trong niên độ tài chính của HSG. Dân trí gộp quý II và quý III trong niên độ tài chính của HSG để cùng thời kỳ tính toán với báo cáo bán niên các doanh nghiệp trong danh sách.
Choáng với lợi nhuận ngành điện!
Cũng cần lưu ý rằng, doanh nghiệp lãi đậm nhất là VNM lại không phải là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng “khủng” nhất. Vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng là một doanh nghiệp trong ngành điện lực - PPC với con số ấn tượng 560,5% tức gấp 6,6 lần so với cùng kỳ!
Giải thích cho mức tăng đột biến này, PPC cho biết, do sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ quý 2 năm 2013 đạt 1,82 tỷ kwh, bằng 28,68% kế hoạch năm và cao hơn cùng kỳ 0,3 tỷ kwh. Điện bán ra cho EVN cũng đạt 1,65 tỷ kwh tương đương cao hơn cùng kỳ 0,27 tỷ kwh. Sản lượng điện sản xuất quý 2 cao chủ yếu do thời tiết thời gian này đang là mùa khô nên hệ thống điện quốc gia huy động nhà máy nhiệt điện với công suất cao.
Hơn nữa, trong quý 2/2012, công ty mẹ PPC phải phân bổ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại nợ vay cuối năm 2011 là 2.888,62 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2013, tỷ giá JPY/VND là 212,61 đồng/JPY giảm 7 đồng so với 31/3/2013 và giảm 28,26 đồng so với 31/12/2012. Thực hiện thông tư 179 của Bộ tài chính, công ty đánh giá lại nợ vay có gốc ngoại tệ cuối quý 2/2013 giúp công ty có lãi từ hoạt động này quý 2/2013 là 234,78 tỷ đồng, tăng 523,4 tỷ đồng so với quý 2/2012.
Trong bối cảnh, chính sách định hướng sẽ tăng giá điện bán lẻ trong nước theo kịp giá thị trường và tăng tính cạnh tranh trong bán buôn, bán lẻ điện, cổ đông PPC kỳ vọng, triển vọng lợi nhuận của công ty còn khấm khá hơn trong thì tương lai.
Doanh nghiệp thép ngược dòng
Ở tiêu chí này, các cổ phiếu ngành thép như HSG và HPG cũng không hề tỏ ra kém cạnh bất chấp triển vọng ngành đang được cho là đứng trước nhiều khó khăn, nhất là khi áp lực cạnh tranh gia tăng, nhu cầu xây dựng cầm chừng và sẽ phải chịu một biểu giá riêng về điện.
Nếu HPG là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu phân khúc thép xây dựng và ống thép thì HSG lại dẫn dầu phân khúc tôn mạ.
Cụ thể, HSG – Tập đoàn từng gây xôn xao dư luận về vụ chi 36 tỷ đồng mời Nick Vujicic sang Việt Nam hồi tháng 5. Theo đó, lợi nhuận ròng của HSG trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tăng 118,7% so với cùng kỳ.
Còn HPG, tuy gặp rắc rối lớn sau khi bị bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) lừa 246 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi trị giá 164 tỷ, song sự cố này không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của tập đoàn do ông bầu Trần Đình Long làm Chủ tịch.
Khép lại nửa đầu 2013, HPG đạt lợi nhuận gần 1.013 tỷ đồng, tăng trưởng 86,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan là PVD với 38,3%, VNM với 21,5%; FPT với 7%.
Ngược lại, những doanh nghiệp dù có kết quả cao những vẫn bị giảm lãi mạnh lại là ACB (giảm 55,5%), DPM (giảm 18%), PVS (giảm 16,3%) và DHG (giảm gần 7%).
Xét theo tiêu chí doanh thu, PPC vẫn tăng trưởng mạnh nhất 65,5%, đạt trên 3.600 tỷ đồng. Kế đến là PVD (31%), DHG (18%), VNM (14%)… Quy mô doanh thu của VNM “khủng nhất”, đạt trên 14.700 tỷ; FPT trên 12.300 tỷ; PVS gần 11.300 tỷ; ACB và HPG trên 8.000 tỷ.
Danh sách này không tính GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) do mới chỉ có báo tài chính công ty mẹ. Nhưng nếu nhìn vào kết quả của GAS không ít người sẽ phải “giật mình” vì mới chỉ là báo cáo tài chính riêng nhưng GAS đã gặt lợi nhuận tới 7.040,56 tỷ đồng, hơn tất thảy các doanh nghiệp có báo cáo hợp nhất được kể ở trên. Tăng trưởng lợi nhuận đạt 54,6% bất chấp doanh thu sụt giảm 13% so với cùng kỳ.
Phiên giao dịch sáng 14/8, duy có cổ phiếu FPT giảm điểm nhẹ 100 đồng, VNM, DPM, HPG và PPC đứng giá, còn lại GAS và DHG tăng mạnh 1.000 đồng, PVD, HSG, ACB, PVS xanh điểm. Khối ngoại mua mạnh gần 150 nghìn cổ phiếu PVD và 108 nghìn cổ phiếu GAS.
Nhờ diễn biến tốt về giá của cổ phiếu, một số ông chủ có sở hữu lớn tại doanh nghiệp đã lọt danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Có thể kể đến ông Trần Đình Long (Chủ tịch HPG), đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng tài sản so với đầu năm và trở thành người giàu thứ 4 thị trường chứng khoán Việt. Hay ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch HSG), cũng gia tăng gần 900 tỷ đồng tài sản, đạt 1.719 tỷ đồng do nắm giữ cổ phiếu HSG và là người giàu thứ 7 sàn chứng khoán.
Bích Diệp