Khó khăn, nhiều doanh nghiệp xù tiền cơm trưa văn phòng

(Dân trí) - Trong tình hình kinh tế khó khăn, hiện nay, việc chậm trả nợ khiến các doanh nghiệp chủ nợ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì đồng vốn không thu hồi được.

Các đơn vị cung cấp cơm trưa văn phòng cho các doanh nghiệp cũng lâm vào tình cảnh cơm thì đã ăn nhưng chưa biết bao giờ lấy được tiền..

Cơm đã ăn, tiền chưa trả

Đại diện nhà hàng cơm văn phòng Cơm123 chia sẻ, cho đến thời điểm này, khách hàng nợ tiền cơm khó đòi đã lên tới cả trăm triệu đồng. Chỉ riêng công ty Cổ phần Cavico Điện lực và Tài nguyên đã nợ gần 43 triệu đồng tiền cơm tại đây. Theo đó, trong vòng 3 tháng, nhà hàng đã cung cấp suất ăn trưa cho công ty này. Thế nhưng, sau hàng chục lần nhận được hứa hẹn và đi lại, đến nay vẫn chưa thể thu hết tiền nợ. Thậm chí, công ty tự giới thiệu là có 300 nhân viên này đến nay đã không còn ai tại trụ sở, nhà hàng cũng bất lực không biết đòi tiền từ ai.

Khó khăn, nhiều doanh nghiệp xù tiền cơm trưa văn phòng

Tương tự, công ty cổ phần phần mềm AFC sau hơn hai tháng ăn cơm và nêu đủ các lý do để trả chậm, thì hiện nay đã bỏ trụ sở làm việc trên phố Lê Thanh Nghị để đi nơi khác với số tiền nợ cơm là gần 8 triệu đồng. Điều đáng nói, sau khi kỳ công tìm được đơn vị này tại trụ sở mới trên phố Đại Kim thì đại diện đơn vị lấy lý do đang dọn dẹp văn phòng xin khuất nợ vài ngày. Thế nhưng sau đó, công ty này một lần nữa biến mất còn các số điện thoại của người đại diện công ty thì không thể liên lạc được. Một đơn vị khác, Công ty CP công nghệ & ứng dụng phần mềm Tas tại Cầu Giấy, cũng khất nợ tiền cơm hơn 8 triệu đồng nhưng giờ cũng “bặt vô âm tín”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý nhà hàng Cơm123 lắc đầu ngán ngẩm: “Không chỉ biến mất, nhiều đơn vị còn đùn đẩy trách nhiệm và phần thiệt về phía nhà hàng vì không biết thu tiền ở đâu”, “Một công ty ở Cầu Giấy bán cổ phần cho công ty khác và kết quả là không ai chịu nhận trách nhiệm trả nợ tiền cơm”. “Chúng tôi đã mất rất nhiều công sức để tìm ra được cả số CMTND của Giám đốc nhưng cũng chưa biết tìm họ ở đâu để thu nợ vì những người này tìm mọi cách lẩn tránh” ông Hùng cho biết.

Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Đức Anh, chủ một cửa hàng cơm tại Thanh Xuân cho biết hơn một năm nay, doanh thu hàng tháng của cửa hàng luôn bị tồn đọng vì nợ khó đòi. Một công ty ở đường Nguyễn Trãi đang nợ cửa hàng hơn 50 triệu đồng. Nhiều lần đòi nợ không được, mới đây anh Đức Anh tá hỏa khi nghe thông tin công ty có nguy cơ giải thể mà nợ tiền cơm vẫn hoàn như cũ.

Chị Nguyễn Thu Hoa, chủ một cửa hàng cơm ở Mỹ Đình chia sẻ, nhà chị cung cấp suất ăn cho gần 10 công ty lớn. Trong số đó có không ít công ty đang nợ đọng hàng chục triệu đồng tiền ăn trưa. Chị cho hay, lúc đầu là tình trạng chậm thanh toán với nhiều lý do giám đốc đi vắng, kế toán nghỉ,… dần dần sau đó là tình trạng cách ba, bốn tháng mới thanh toán tiền ăn tháng trước đó. Mặc dù vậy, chị Hoa vẫn phải tiếp tục cung cấp suất ăn bởi ngừng thì sẽ khó đòi tiền hơn.

Hàng cơm lao đao

Chị Hoa chia sẻ, để đầu tư một cửa hàng cơm văn phòng không phải là điều đơn giản. Chị cũng phải mất hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho việc lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, tới thuê nhân viên nấu ăn, giao hàng. Tuy vậy, doanh thu của nhà hàng tính bạc cắc mỗi ngày vì các đơn vị nợ dai dẳng. “Bán suất ăn cho công ty tưởng thu về nguồn tài chính lớn nhưng thà bán cơm suất tại cửa hàng mà thu được tiền “tươi” còn hơn”, chị Hoa cho biết.

Theo chị Hoa, nguồn cung cấp thực phẩm của chị đều là chỗ quen, bên cạnh đó mặt bằng thuê nhà không mất tiền nên cửa hàng cơm của chị mới có thể tồn tại được. Các công ty lớn đều đứng ra ký hợp đồng suất cơm trưa với cửa hàng nhưng muốn đòi cũng không dễ.  “Lương nhân viên họ còn nợ nói gì đến việc có kinh phí trả tiền cơm, họ trả được đồng nào hay đồng đó chứ biết làm thế nào?”, chị Hoa ngậm ngùi.

Ông Hùng chia sẻ, số tiền nợ đọng đã ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của cửa hàng. Nhà hàng kinh doanh chủ yếu qua kênh online trên mạng nên đã giảm giá bán khá nhiều. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhà hàng cũng đã chia sẻ một phần cho các công ty bằng việc cho trả chậm tiền cơm nhưng các công ty không thể trốn nợ như vậy được. Nếu các công ty lớn khi ăn cơm nhưng chậm trả nợ thậm chí không trả thì cửa hàng anh có nguy cơ dẹp tiệm.

Không thể cầm cự được với tình trạng nợ, sau thời gian dài làm ăn thua lỗ, cửa hàng cơm của anh Đức Anh đã buộc phải đóng cửa. Theo anh Đức Anh, hiện tại anh cũng đang là con nợ của nhiều chủ cung cấp thực phẩm. Thời gian qua, giá thực phẩm liên tục biến động, cửa hàng anh đã tăng mỗi suất ăn từ 20 nghìn đồng lên tới 25 nghìn đồng. Tuy nhiên, anh cũng không thể tăng hơn nữa vì sẽ không có ngừơi ăn.

Khủng hoảng kinh tế kéo theo việc nợ đọng của các công ty tăng cao là lẽ đương nhiên. Mặc dù có nhiều công ty làm ăn kiểu “giật gấu vá vai” phớt lờ nợ đọng, tuy nhiên, không ít công ty xem nợ là việc “chẳng đặng đừng”. Chủ một doanh nghiệp ở Trung Hòa Nhân Chính chuyên đặt suất cơm trưa cho nhân viên chia sẻ: “Bản thân chúng tôi cũng không muốn nợ những khoản chi tiêu nhỏ như tiền cơm, văn phòng phẩm… nhưng hiện tại nguồn thu từ việc kinh doanh của chúng tôi rất khó khăn nên chưa thể sắp xếp trả ngay được. Và thay vì việc trả ngay sau khi hết tháng, chúng tôi phải lùi thời hạn để cân đối nguồn tài chính cho phù hợp”. 

Duy Khánh - Bảo Long