Khó hạ lãi suất do lạm phát

Mục tiêu hạ lãi suất “vào 10, ra 12” của Chính phủ đang ngày càng trở nên khó thực hiện hơn khi khả năng kiểm soát lạm phát 8% có nguy cơ bị “vỡ kế hoạch”.

Méo mó vì đồng thuận

Khó hạ lãi suất do lạm phát  - 1
Mục tiêu hạ lãi suất đang khó thực hiện.
 
Theo ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vừa qua các ngân hàng đã thực hiện đồng thuận đưa lãi suất huy động xuống 11%/năm để tạo tiền đề hạ lãi vay. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nhỏ sức cạnh tranh yếu vẫn duy trì ở mức cao hơn, bằng cách tặng quà, khuyến mãi. Đặc biệt, một vài ngân hàng phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn dưới dạng kỳ phiếu với lãi suất thưởng cao hơn mặt bằng chung.

“Đồng thuận khiến lãi suất đi trái với quy luật thị trường, điều tất yếu dẫn tới tình trạng ngân hàng phải “lách” để tự cứu mình chứ không còn cách nào khác”, ông Kiêm nói.

Điều đáng lo ngại hơn, theo ông Cao Sĩ Kiêm, chỉ số CPI của 10 tháng đã tăng 7,58%, gần bằng mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là 8%. Nếu hạ lãi suất huy động sẽ khiến người gửi tiền e ngại, quay sang vàng và USD vì lãi suất của những tài sản này đang ngày càng tăng mạnh. Khi đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng sụt giảm, càng gây khó khăn hơn cho mục tiêu hạ lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng quan điểm trên, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dự báo đến cuối năm lạm phát có thể sẽ tăng khoảng 9%. lãi suất huy động 11%/năm vẫn đảm bảo thực dương cho người gửi tiền. Nhưng nếu giá vàng còn biến động bất thường, tỷ giá bất ổn... như thời gian qua thì mức lãi suất 11%/năm không đủ sức hấp dẫn người gửi.

“Nếu giá trị VND ngày càng chịu nhiều áp lực thì kế hoạch, lộ trình hạ lãi suất sẽ khó thành hiện thực”, bà Hương nhận định.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại khu vực phía Nam thẳng thắn cho biết, hạ lãi suất theo đồng thuận khiến nguồn vốn huy động của ngân hàng sụt giảm đáng kể. Theo kế hoạch sắp tới ngân hàng sẽ phát hành tiếp kỳ phiếu đợt 2 khoảng 400-500 tỉ đồng, sau khi đã phát hành thành công 1.100 tỉ đồng đợt 1 với lãi suất 11,2%/năm, để phục vụ cho nhu cầu đầu tư tín dụng, cho vay sản xuất kinh doanh của các khách hàng.

Có thể thay đổi lộ trình “vào 10, ra 12”

Đường cong lãi suất bị nắn thẳng là hệ quả tất yếu khi Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận nhưng lại rbuộc phải hạ lãi suất. Hậu quả, các ngân hàng giảm lãi suất huy động theo sự đồng thuận, nhưng lãi suất cho vay mới chỉ có vài ngân hàng hạ xuống 11,5%/năm, và chỉ thuộc các lĩnh vực cần ưu tiên như xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mục tiêu hạ lãi suất đang ngày càng xa khi Chính phủ vừa muốn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thông qua việc hạ lãi suất để tăng cung tín dụng ra nền kinh tế, vừa muốn đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Chính điều này đã khiến cho các doanh nghiệp và ngân hàng đang loay hoay như gà mắc tóc.

Theo ông Kiêm, lạm phát cao làm cho mục tiêu hạ lãi suất khó thực hiện hơn vì giá đồng tiền được biểu hiện bởi chỉ số giá CPI. Chỉ số giá cao, đồng tiền bị mất giá, thì lãi suất không thể hạ.

Vì vậy, cần phải có những giải pháp để ngăn đà tăng của lạm phát, tạo tiền đề các ngân hàng hạ lãi suất. Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước cần “chi viện” cho các ngân hàng nhỏ, lực yếu tránh tình trạng các ngân hàng này nâng lãi suất huy động bằng nhiều cách khác nhau.

Ông Kiêm kiến nghị, ngân hàng muốn giảm lãi suất phải giảm được chi phí, đồng thời ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bằng cách cho họ sử dụng nghiệp vụ thị trường mở như cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu đúng địa chỉ, liều lượng hợp lý.

Với sự thận trọng nhất định, bà Hương cho biết, hiện Hiệp hội ngân hàng đang “nghe ngóng” diễn biến thị trường. Nếu đến ngày 10/11, hoặc chậm nhất 15/11, nguồn vốn huy động sụt giảm, trong bối cảnh lạm phát cao, giá vàng bấp bênh, tỷ giá bất ổn như vừa qua, hiệp hội sẽ ngồi lại với các thành viên kiến nghị xin phép cho điều chỉnh lộ trình “vào 10, ra 12” cho phù hợp với điều kiện của nền kinh tế.

Theo Anh Vũ
Báo Thanh Niên