Khó giảm trần lãi suất?

Sau nhiều lần liên tục cắt giảm trần lãi suất huy động trong năm 2012, từ đầu năm 2013 đến nay vẫn chưa có động thái nào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy trần lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh.

Có thể trong ngắn hạn, hạ trần lãi suất huy động sẽ không phải là ưu tiên của NHNN do những khó khăn trong việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nợ xấu chưa được giải quyết và thị trường bất động sản chưa được khơi thông.
 
Doanh nghiệp chưa được hưởng lợi

 

Doanh nghiệp chưa được hưởng lợi

 

Thực tế, qua 5 lần giảm lãi suất huy động từ 14% xuống 8% ở kỳ hạn dưới 12 tháng như hiện nay, vẫn còn một số ngân hàng xé rào huy động vượt trần và lãi suất cho vay vẫn chưa giảm như kỳ vọng của các doanh nghiệp.

 

Hiện mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cổ phần hiện phổ biến ở mức 16%/năm, thấp hơn là các ngân hàng thương mại quốc doanh dao động 13-15%/năm.

 

Trước đó, qua nhiều lần NHNN “ép” trần lãi suất huy động xuống với mục tiêu tự động hạ lãi suất cho vay ra, tuy nhiên, biện pháp này không hiệu quả khi tính “tự giác” của các ngân hàng hầu như không có. Hiếm có ngân hàng nào tự động chịu giảm lãi suất cho vay, hoặc nếu có thì chỉ là hình thức đối phó, để tiếp cận nguồn vốn này không dễ dàng chút nào.

 

Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã tiếp cận nhiều ngân hàng, khi chào mời thì lãi suất khá hấp dẫn nhưng đến khi vào vay thì các điều kiện soi xét rất kỹ, lãi suất theo đó cũng được nâng lên. Việc tiếp cận vốn vẫn khó, mức lãi suất 12% như công bố của một số ngân hàng vẫn là điều mơ ước. Những dự án tốt mới được cho vay 13%, còn lại đều 15-16%, nên lãi suất huy động càng giảm họ càng có lợi.

 

Lãi vay cao khiến doanh nghiệp vẫn không dám vay vốn, bởi như vậy không đem lại hiệu quả. Các doanh nghiệp cho rằng, lãi vay phải từ 10% trở xuống thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả.

 

Chính vì vậy, NHNN đã buộc phải can thiệp vào lãi suất cho vay ra khi ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN ngày 4/5/2012 quy định trần lãi suất cho vay ở mức 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp đó, NHNN cũng phải dùng biện pháp hành chính để buộc các ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức 15% trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Tuy vậy, nhìn chung mức lãi suất này còn quá cao để các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả được trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay.

 

Đánh giá về mục tiêu giảm lãi suất cho vay bằng cách giảm trần lãi suất huy động của NHNN, nhiều nhà phân tích khẳng định rằng không có cơ sở để kỳ vọng khi lãi suất đầu vào giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo, bởi lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như trình độ quản trị của từng ngân hàng, mức độ rủi ro của doanh nghiệp đi vay mà ngân hàng thẩm định... Việc giảm lãi suất đầu vào không có nghĩa là lãi suất cho vay sẽ được giảm theo. Nếu có cũng phải chờ một thời gian khá lâu. Bởi lãi suất cho vay của các ngân hàng đều được tính toán cộng bù thêm chi phí rủi ro cao khi tình hình doanh nghiệp đang được đánh giá còn khó khăn như hiện nay.

 

Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu NHNN khống chế trần lãi suất cho vay hơn là quy định trần lãi suất huy động như hiện nay. Điều đó vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý một cách thuận lợi, vừa gián tiếp quản lý được lãi suất huy động.

 

Vẫn còn nhiều áp lực

 

Hiện đang có một số thông tin cho rằng, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức 6%, NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mục tiêu này xem ra khó thực hiện được khi mà từ đầu năm 2013, lạm phát đã nhen nhóm tăng trở lại.

 

Không phủ nhận những tích cực của các chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong năm 2012, tuy nhiên, theo như chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đã từng chia sẻ: “Năm 2012 không cần làm gì thì lạm phát cũng vẫn giảm”.

 

Nguyên nhân là những khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước năm 2012 làm cho nền kinh tế suy giảm, bất động sản đóng băng, đầu tư công hạn chế... do vậy lạm phát không có cơ hội trỗi dậy. Tuy nhiên, khi mà nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, đầu tư tăng trưởng trở lại, chính sách “phá băng” bất động sản phát huy tối đa tác dụng thì lạm phát hoàn toàn có thể nóng trở lại (lạm phát năm 2011 của nước ta rất cao ở mức 18,58%) .

 

Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động còn tạo ra áp lực lên nền kinh tế. Nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động, các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong thanh khoản, nhất là khi phải cạnh tranh huy động với các ngân hàng lớn. Điều này có thể làm tái diễn cuộc chạy đua vượt rào lãi suất huy động hoặc làm bùng phát trở lại những bất ổn trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

 

Mặt khác, các điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất như trong các đợt cắt giảm trong năm 2012 hiện không xuất hiện. Để giảm lãi suất, NHNN phải cung thêm tiền cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng CPI đang có dấu hiệu tăng trở lại, lạm phát 2013 có thể tăng mạnh, do đó NHNN sẽ chưa thể mạo hiểm thực hiện chính sách này trong giai đoạn hiện tại.

 

Trong khi đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng hiện nay đang giảm (dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19/2/2013 tăng trưởng âm 0,16% so với cuối năm 2012), tuy nhiên nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vẫn rất lớn, các ngân hàng vẫn sống khỏe với mức chênh lệch huy động - cho vay như hiện nay nên khó có thể kỳ vọng lãi suất được giảm theo quy luật cung cầu.

 

Hiện tại, nhu cầu cấp thiết nhất đối với nền kinh tế là giải quyết nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho, giãn nợ cho doanh nghiệp, tăng thêm tín dụng giá rẻ để cung cấp vốn cho nền kinh tế. Do vậy, ưu tiên vẫn là kiểm soát chặt chẽ lạm phát làm cơ sở để duy trì tính ổn định của nền kinh tế, lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần phục hồi nền kinh tế.

 

Với những lý do trên, có thể nhận thấy việc tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động trong giai đoạn này có thể không có nhiều tác dụng, trong khi đó, nền kinh tế vẫn đang chờ đợi những quyết sách khác của NHNN trong các chính sách tiền tệ của mình để nền kinh tế có thể có nguồn vốn tốt với chi phí phù hợp và một mức lạm phát chấp nhận được ở mức một con số làm tiền đề cho nền kinh tế thoát đáy.

 

Theo Thành Trung

Petrotimes