1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khi nền kinh tế tăng trưởng dựa trên nợ nần

(Dân trí) - Theo lịch sử và kinh nghiệm mà các quốc gia phát triển đã trải qua cho thấy, Việt Nam sẽ trải qua một quy trình hồi phục kéo dài, với tăng trưởng tín dụng chậm chạp, tiêu thụ tư nhân yếu, áp lực giảm phát kéo dài, và đầu tư thận trọng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn lệ thuộc vào tín dụng
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn lệ thuộc vào tín dụng

Tại báo cáo vĩ mô vừa mới phát hành, HSBC cho rằng, trong năm nay, thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do có chi ngân sách thì cao còn thu ngân sách thì chậm.
 
Dù không tỏ ra quá lo ngại cho Việt Nam, HSBC cho biết, vẫn sẽ tiếp tục quan sát kỹ tỉ lệ lệ thuộc vào tín dụng Việt Nam bởi các dòng tiền chi ra dễ dàng thường khó dẫn đến sự giàu mạnh bền vững. 

Cũng theo đánh giá của HSBC, mặc dù Chính phủ đang kiểm soát chặt chẽ lại những chi tiêu công gây lãng phí, khoảng cách giữa chi và thu vẫn còn khá rộng. Với bức tranh thương mại vẫn còn tốt và đầu tư đổ vào cao hơn, thu nhập ngân sách đã tăng trở lại trong năm nay, mặc dù xét về tỉ lệ đóng góp cho GDP thì các nguồn thu đang giảm dần.
 
Việt Nam sẽ cần phải mở rộng nguồn thu thuế để bù đắp sự sụt giảm tỉ lệ nguồn thu đóng góp cho GDP khi giảm thu thuế doanh nghiệp (dự định giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 20%  trong năm 2016 từ mức thuế hiện tại 22%).
 
Thâm hụt tài chính tăng trong những năm gần đây dẫn đến nợ công và nợ nước ngoài đều tăng lên. Tuy xét trong tương lai gần nhiều khả năng Việt Nam không phải đối mặt với vấn đề nợ kéo dài nhưng tỉ lệ đóng góp của các nguồn thu cho GDP lại đang giảm. Mặc dù có tăng lại trong năm nay, tỉ lệ đóng góp thu ngân sách cho GDP chỉ khoảng 25% so với mức trung bình gần 30% vào những thập kỷ trước. 

Kết quả là, lượng nợ công, cả trong và ngoài nước, đều tăng. Điều tích cực liên quan đến nợ nước ngoài là phần lớn các khoản nợ này (khoảng 60%) là nợ vay viện trợ, có tính chất ưu đãi, và điều này cũng có nghĩa các khoản nợ này dễ được gia hạn hơn.
 
Tuy nhiên, lượng nợ sẽ chỉ đáng lo ngại nếu nền kinh tế ngưng phát triển và dòng chảy nợ tiếp tục chất chồng thêm. Về quan ngại đó, HSBC cho rằng, năm nay và cả năm sau, vấn đề thâm hụt ngân sách vẫn sẽ tồn tại ở mức 5-6% bởi đây là vấn đề mang trái ngược chu kỳ (nền kinh tế đang phát triển chậm lại nên các chính sách tài khóa của chính phủ sẽ được mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế). 
 
Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể và sẽ phát triển để thoát ra khỏi vấn đề hiện tại không? Theo đánh giá của HSBC, điều này là có thể nhưng là sẽ là sự hồi phục dần dần. Phần lớn tăng trưởng trong cuối những năm 2000 của Việt Nam là nhờ vào tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, điều này làm cho tỉ lệ phụ thuộc vào tính dụng càng trầm trọng hơn (tăng trưởng dư nợ trên tăng trưởng sản phẩm).
 
Tỉ lệ phụ thuộc vào tín dụng càng cao thì năng suất của nền kinh tế càng thấp. Nguồn tiền dễ dàng tiếp cận thường có xu hướng dẫn đến những hành động chấp nhận rủi ro cao hơn. Năm 2009, tỉ lệ này tăng trên mức trung bình của quốc gia từ khoảng 1 đến trên 2.
 
Theo lịch sử và kinh nghiệm mà các quốc gia phát triển đã trải qua cho thấy, Việt Nam sẽ trải qua một quy trình hồi phục kéo dài, với tăng trưởng tín dụng chậm chạp, tiêu thụ tư nhân yếu, áp lực giảm phát kéo dài, và đầu tư thận trọng. 

Những gì thực sự đang hỗ trợ tỉ lệ tăng trưởng 5-6% của Việt Nam là dòng chảy vào của các nhà đầu tư nước ngoài, sức cạnh tranh cao của ngành sản xuất cần nhiều nhân công và sự chủ động trong nỗ lực tự do hóa thương mại thông qua những đàm phán như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do khu vực châu Âu (FTA với EU).
 
Theo nhận định của HSBC, nếu Việt Nam cố gắng kiềm chế tránh việc tăng trưởng tín dụng ồ ạt, đặc biệt đối với các khu vực quốc doanh kém hiệu quả, và tập trung phát triển mạnh hơn nữa những lợi thế chiến lược của mình như thương mại và xu hướng chuyển đổi nhân khẩu học thuận lợi, tăng trưởng sẽ dần được cải thiện. Dự báo, tăng trưởng sẽ tăng dần từ năm 2014 đến 2016.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm