Khi lãnh đạo doanh nghiệp xấu hổ vì thất hứa
(Dân trí) - Chủ tịch chuỗi bán lẻ đình đám Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh thừa nhận cảm thấy xấu hổ vì đã thất hứa, không hoàn thành cam kết mục tiêu doanh thu và lợi nhuận 2022.
Đại gia xấu hổ vì đã thất hứa
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) nói cảm thấy xấu hổ vì đã thất hứa, không hoàn thành cam kết mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022. Điều này trước nay chưa từng xảy ra với "ông lớn" ngành bán lẻ, sở hữu 3 chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh với hàng nghìn cửa hàng từ Bắc vào Nam.
Doanh nghiệp này đã đi qua một năm vô cùng khó khăn, lợi nhuận lần đầu tiên giảm sau giai đoạn tăng trưởng liên tục kể từ khi niêm yết (2014). Lợi nhuận sau thuế đạt 4.100 tỷ đồng, giảm 16% năm trước, thực hiện 65% kế hoạch.
Vì những điều "chưa từng xảy ra" nên năm 2022 cũng là năm đầu tiên công ty này không phát hành cổ phiếu thưởng cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt (ESOP). Theo cam kết, nếu lợi nhuận tăng 10% so với năm trước thì ban điều hành, cán bộ chủ chốt sẽ nhận được 2,5% cổ phiếu ESOP trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Tạm tính với 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, công ty có thể phát hành hơn 36,5 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng giá thị trường khoảng 1.490 tỷ đồng.
Cổ phiếu ESOP là phần thưởng truyền thống của doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT trong nhiều năm qua. Chính sách ESOP gắn liền với cam kết về tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Ông Tài từng giải thích việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm khích lệ ban điều hành và cán bộ chủ chốt trong việc đưa MWG liên tục phát triển, giữ chân nhân tài. Nếu chính sách ESOP không còn tồn tại là dấu hiệu phản ánh thành tích của MWG sẽ không thể duy trì. Và đúng như năm 2022, cổ phiếu ESOP không được phát hành, lợi nhuận MWG không giữ đà tăng trưởng.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, không tăng nhiều so với năm trước. Kế hoạch được đặt ra trong hoàn cảnh dự báo sức mua điện thoại, điện máy giảm, người tiêu dùng đang có chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu.
Và tiếp tục như năm 2022, ban điều hành không nhận thưởng trong năm 2023. HĐQT không có thù lao, thành viên Ủy ban kiểm toán cũng tương tự.
Ông Tài tuyên bố: "Chúng tôi sẵn sàng có một năm cắm đầu làm việc gấp đôi, gấp ba năm trước và không nhận bất kỳ thù lao gì, để chứng tỏ sự cam kết chiến đấu cho tương lai của tập đoàn. Chứ không phải chúng tôi thấy tập đoàn khó khăn mà vẫn ngồi nhận tiền vào tài khoản như chưa có chuyện gì xảy ra. Đây là cam kết của đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn".
Không nhận thù lao, làm không công; công bố treo thưởng lớn
Tương tự, FPT Retail (mã chứng khoán: FRT), chủ chuỗi bán lẻ FPT Shop, F.Studio và nhà thuốc Long Châu, cũng trả thù lao 0 đồng cho HĐQT năm 2022. Bởi năm 2022, công ty không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra nên cũng không phát hành cổ phiếu ESOP. Cho năm 2023, ban điều hành tiếp tục đề xuất không chi trả thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát.
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) cũng không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2022. Lợi nhuận chỉ đạt 8.444 tỷ đồng trong khi kế hoạch là 25.000-30.000 tỷ đồng do sự khó khăn của thị trường thép và ảnh hưởng từ ngành bất động sản. Do đó, ban điều hành không được thưởng mà HĐQT cũng không được nhận thù lao, dù được phép hưởng một khoảng hơn 84 tỷ đồng, tương đương 1% lãi sau thuế. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT nhận thù lao 0 đồng.
Năm 2023, quỹ thù lao HĐQT tối đa được trích là 1% lợi nhuận sau thuế, còn ban điều hành tối đa 5% phần lợi nhuận sau thuế vượt mốc kế hoạch 8.000 tỷ đồng. Việc chia thưởng này về cơ bản không khác gì so với những năm trước. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho rằng giai đoạn thảm khốc nhất của ngành thép đã qua và nội lực của Hòa Phát vẫn tốt, nhưng triển vọng còn phụ thuộc vào nhu cầu trong và ngoài nước. Công ty đặt kế hoạch doanh thu 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế dự kiến 8.000 tỷ đồng, giảm 5%.
Dù thế, vẫn có những doanh nghiệp treo thưởng để khích lệ. Ví dụ, tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ), chính sách thưởng cho ban điều hành, cán bộ chủ chốt vẫn được duy trì nhiều năm. Năm 2022, HĐQT, lãnh đạo chủ chốt được trích thưởng 1,5% trên tổng lợi nhuận sau thuế, tương ứng hơn 27 tỷ đồng do hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Năm nay, công ty vẫn tiếp tục áp dụng chính sách này thêm phát hành cổ phiếu ESOP, kèm kế hoạch kinh doanh đột biến với doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
HĐQT đưa ra 2 phương án thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt. Thứ nhất, nếu lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 1.811 tỷ đồng (mức lãi của năm 2022) trở lên, công ty sẽ thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt 35 tỷ đồng. Trong trường hợp lợi nhuận sau thuế đạt 1.937 tỷ đồng trở lên (vượt kế hoạch đề ra) thì HĐQT và lãnh đạo chủ chốt sẽ nhận thưởng 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty cũng xây dựng phương án phát hành cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho 3 kịch bản: không phát hành nếu lãi của 2023 thấp hơn 2022; vẫn lãi nhưng thấp hơn mục tiêu thì phát hành với tỷ lệ 1%; lãi vượt mục tiêu thì tỷ lệ phát hành là 1,5% so với tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành.