Khi đại tỷ phú phút chốc... “mạt vận”
Dù là những tỷ phú số 1 thế giới hay khu vực nhưng vì nhiều cách khác nhau mà toàn bộ số tài sản kếch xù bỗng chốc “đội nón ra đi”, để rồi tay trắng.
Người đàn ông giàu có nhất hành tinh sa cơ
Thừa hưởng cơ nghiệp kếch xù từ người cha của mình từ thập niên 60, Yoshiaki Tsutsumi trở thành một trong những đại gia giàu có và quyền lực nhất Nhật Bản với hàng loạt khách sạn, bất động sản lớn, tuyến đường ray xe lửa, các công ty xây dựng và một đội bóng chày danh tiếng.
Ông cũng có công lớn khi dùng ảnh hưởng và tiền bạc của riêng mình để đem về cho Nhật Bản quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông Nagano năm 1998. Đặc biệt, Yoshiaki Tsutsumi từng là người giàu nhất hành tinh với tài sản 16 tỷ USD khi Forbes công bố danh sách tỷ phú năm 1987.
Tuy nhiên, đến năm 2004, ông Tsutsumi buộc phải rời bỏ tất cả các chức vụ cũng như khối tài sản kếch xù của mình sau khi thị trường bất động sản Nhật Bản đóng băng và quan trọng hơn là sau một bê bối tài chính.
Tháng 10/2004, Công ty Seibu Railways, một trong những công ty thuộc quyền sở hữu của ông Tsutsumi, bị cáo buộc cố tình làm sai lệch thông tin về cổ phiếu của, khiến các nhà đầu tư chịu thiệt hại khi đầu tư dựa trên những số liệu giả mạo này.
Theo quy định của thị trường cổ phiếu Nhật Bản, đối với bất kỳ công ty nào, 10 cổ đông lớn nhất không được phép nắm giữ nhiều hơn 80% cổ phiếu. Tuy nhiên, người ta tìm thấy những bằng chứng cho thấy ông Tsutsumi cố tình cung cấp số liệu không chính xác về cổ phiếu của Công ty Seibu Railways. Trên thực tế, 10 cổ đông lớn nhất của công ty này đã có trong tay trên 80% lượng cổ phiếu.
Hệ quả là tỷ phú Tsutsumi bị bắt giam, nộp phạt 5 triệu yen và chịu mức án bốn năm tù.
Tỷ phú giàu nhất Ireland nộp đơn phá sản
“Hẩm hiu” không kém, tỷ phú giàu nhất Ireland năm 2008 Sean Quinn buộc phải tuyên bố phá sản sau một thời gian dài ngập trong khoản nợ gần 4 tỷ USD.
Là con trai của một người nông dân tại hạt Fermanagh, Bắc Ireland, Quinn rời trường học vào năm 14 tuổi để làm việc tại nông trại của gia đình. Ông khởi nghiệp bằng nghề khai thác và kinh doanh đá vào năm 1973 với 100 bảng tiền vay. Sau đó trong quá trình phát triển công việc kinh doanh, ông mua lại công ty xi măng CRH và sau đó đa dạng công việc kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn, bất động sản, bảo hiểm với việc thành lập Quinn Group.
Quinn được tạp chí Forbes vinh danh là người giàu nhất Ireland vào năm 2008 và giàu thứ 164 trên thế giới với tổng tài sản 6 tỷ USD. Với tài lực lớn, Quinn Group của ông đã đầu tư vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế, từ khách sạn, bảo hiểm, ngân hàng cho tới sản xuất. Tên ông có thể thấy ở bất cứ nơi nào trên xứ sở Ireland, từ biển hiệu khách sạn, cho tới thành xe tải.
Thế nhưng, sóng gió nổi lên từ năm 2008, với sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào lúc thị trường bất động sản Ireland phát triển đỉnh điểm, Sean Quinn mua tới 25% cổ phần của Anglo Irish Bank… bằng tiền đi vay của chính ngân hàng này.
Khi thị trường bất động sản Ireland bị sụp đổ, cổ phiếu Anglo Irish Bank “rơi tự do”, ông chìm trong nợ nần. Sau đó, các tài sản lần lượt bị niêm phong, Sean Quinn buộc phải nộp đơn phá sản lên tòa án Bắc Ireland vào ngày 11/11 vừa qua.
Không chỉ lâm vào cảnh phá sản, nợ nần, Quinn bị hất cẳng ra khỏi tập đoàn mà ông đã lập nên 40 năm trước đây. Theo thông báo của từ tập đoàn, Sean Quinn sẽ thôi giữ chức giám đốc tập đoàn và sẽ không còn tham gia gì vào việc quản lý kinh doanh.
“Sean Quinn và gia đình đã nợ ngân hàng một số tiền rất lớn và họ hầu như không có khả năng chi trả. Tài sản đảm bảo của khoản nợ là số cổ phần của gia đình ông tại tập đoàn Quinn. Đây sẽ được coi là khoản đầu tư của ngân hàng vào tập đoàn”, Michael Aynsley, giám đốc Ngân hàng chủ nợ của Sean Quinn cho biết.
Trong một tuyên bố về việc phá sản, Quinn cho biết ông rất “buồn và hối tiếc” khi phải đưa ra quyết định này.
Theo luật của Ireland, những người tuyên bố phá sản sẽ phải chờ đủ 12 năm mới được nối lại hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Bắc Ireland lại nằm dưới sự điều chỉnh luật pháp của Vương quốc Anh nên Quinn sẽ chỉ chịu một năm hạn chế kinh doanh. Như vậy, từ một tỷ phú làm nên từ hai bàn tay trắng, giờ Quinn lại trắng tay.
Nữ tỷ phú số 1 châu Âu trắng tay
Tương tự, vì chứng bệnh mất trí nhớ mà bà bà Liliane Bettencourt - người giàu nhất châu Âu, thừa kế hãng mỹ phẩm L’Oreal đã mất quyền kiểm soát khối tài sản khổng lồ của mình.
Chuyện bắt đầu ba năm trước đây, khi cô con gái Bettencourt-Meyers bắt đầu vụ kiện tụng với mục đích bảo vệ mẹ mình khỏi tay nhiếp ảnh gia Francois-Marie Banier. Cô cho rằng ông này đã tìm cách để có được những món quà trị giá tới một tỷ euro (khoảng 1,4 tỷ USD) của mẹ mình.
Nữ tỷ phú Bettencourt còn đưa tên Banier vào di chúc mới của mình với vai trò là người thừa kế duy nhất và thừa hưởng toàn bộ tài sản của bà, gây ra một cuộc kiện tụng kéo dài ba năm.
Đến tháng 10 vừa qua, phiên tòa xét xử liên quan đến vụ việc này kết luận, nữ tỷ phú này phải chuyển quyền quản lý khối tài sản cho cô con gái duy nhất Francoise Bettencourt-Meyers và hai cháu trai Jean-Victor và Nicolas.
Ngoài ra, người thừa kế hãng L'Oreal 88 tuổi này sẽ chịu sự giám hộ của các thành viên trong gia đình, cụ thể là hai cháu trai Jean-Victor và Nicolas.
Thẩm phán đã đưa ra phán quyết cuối cùng dựa trên những báo cáo y tế cho thấy bà Bettencourt mắc bệnh mất trí nhớ và Alzheimer.