Khen áp sàn giá vé máy bay "rất hay", nhưng Bộ Tài chính lại nhấn mạnh...

Ghi Du

(Dân trí) - Từng ủng hộ áp sàn giá vé máy bay với ý kiến góp ý về Luật Giá sửa đổi, với đề xuất bỏ giá trần, Bộ Tài chính nhấn mạnh Bộ GTVT mới chịu trách nhiệm liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Tài chính và Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải.

Bộ Tài chính dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là nhà chức trách hàng không.

"Căn cứ quy định trên, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không", Bộ Tài chính khẳng định.

Do đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của doanh nghiệp hàng không.

Trong từng lựa chọn, đề nghị có đánh giá tác động cụ thể để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định bảo đảm khả thi, hiệu quả, không tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội.

Khen áp sàn giá vé máy bay rất hay, nhưng Bộ Tài chính lại nhấn mạnh... - 1

Bộ Tài chính cho rằng liên quan đến giá dịch vụ hàng không là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải (Ảnh minh họa: VH).

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu gửi ý kiến về Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước đó, khi xây dựng Luật Giá sửa đổi, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, nhận được kiến nghị liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, góp ý dự án Luật Giá sửa đổi diễn ra ngày 6/4, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.

Đề xuất trên ngay lập tức được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật Giá sửa đổi - nhận xét là "rất hay, hợp lý" và khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Lý giải nhận xét trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao. Như vậy, những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không và kiến nghị quy định về việc hạ giá bán đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu.