Khẩn trương quy hoạch xong “siêu sân bay” Nội Bài trong năm 2020

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Cảng HKQT Nội Bài - Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy hoạch, phê duyệt ngay trong năm 2020 và có thể báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư trong năm 2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội (HKQT) là cảng cửa ngõ quốc tế của Thủ đô Hà Nội; có vị trí, đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng hàng không Việt Nam, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của vùng Thủ đô và các tỉnh khu vực phía Bắc.Những năm qua, Cảng HKQT Nội Bài đã được đầu tư và từng bước nâng cấp, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Tuy nhiên, sau thời gian khai thác, chất lượng hạ tầng Cảng HKQT Nội Bài đã xuống cấp, đặc biệt là 2 đường cất hạ cánh, ảnh hưởng lớn đến an toàn cất hạ cánh, đe doạ an ninh, an toàn hàng không.

Khẩn trương quy hoạch xong “siêu sân bay” Nội Bài trong năm 2020 - 1

Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được quy hoạch để đón 100 triệu lượt khách vào năm 2050 


Do nhu cầu phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách, hàng hóa tại Cảng HKQT Nội Bài đã vượt xa dự báo. Sản lượng khai thác năm 2018 đã là 25,9 triệu hành khách/năm, trong khi dự báo cũ là 13,1 triệu hành khách/năm. Năm 2019, Cảng HKQT Nội Bài đón 29 triệu lượt hành khách, trong khi tổng công suất thiết kế chỉ khoảng 25 triệu.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng Cảng HKQT Nội Bài đã bắt đầu quá tải và việc quá tải sẽ trầm trọng hơn trong những năm tới. Yêu cầu đặt ra là phải sớm đầu tư mở rộng, tăng công suất để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn sắp tới. Trong khi đó, việc đầu tư trong giai đoạn vừa qua còn chắp vá, thiếu khoa học, không bài bản.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài là rất cần thiết, phải khẩn trương thực hiện: “Quy hoạch mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Nội Bài phải có tầm nhìn dài hạn, khoa học, bảo đảm khả năng đón 60 triệu khách vào năm 2030, 100 triệu khách vào năm 2050 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với Tư vấn ADPi (Pháp) nghiên cứu nhiều phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài một cách bài bản, khoa học. Phương án được chọn cơ bản đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặt ra, bám sát yêu cầu phát triển và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 phù hợp với sự phát triển của vùng Thủ đô và khu vực các tỉnh phía Bắc, bảo đảm an ninh-an toàn, hiệu quả, đồng thời để bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo, phối hợp với Tư vấn ADPi rà soát, thống nhất, hoàn thiện phương án chọn bảo đảm tối ưu nhất, với quy mô công suất Cảng HKQT Nội Bài phục vụ 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh: Cảng HKQT Nội Bài phải phù hợp với không gian phát triển Vùng Thủ đô; quy hoạch vị trí các công trình bảo đảm công năng, dây chuyền khai thác hợp lý, hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ tiên tiến của ngành hàng không; hạn chế thấp nhất diện tích đất phải bồi thường, đặc biệt là đất ở, bảo đảm thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp nhất; bảo đảm môi trường, quốc phòng-an ninh; có khả năng phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

“Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện phương án chọn và phối hợp các bộ, ngành liên quan, UBND TP. Hà Nội để thống nhất phương án và có các giải pháp quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối và các quy hoạch hạ tầng liên quan, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn thiện Quy hoạch cảng HKQT Nội Bài giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050, để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt ngay trong năm 2020, từ đó hoàn thiện để có thể báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư trong năm 2021.