Khách sạn ở xứ Nghệ của đại gia Lê Thanh Thản kinh doanh ra sao?

Mai Chi

(Dân trí) - Bước ra khỏi đại dịch Covid-19, đơn vị sở hữu khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông bước đầu cho thấy sự hồi phục, tuy nhiên vẫn chưa thể khắc phục được lỗ lũy kế.

Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (mã chứng khoán: PDC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022 cho thấy sự khởi sắc đáng kể trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này sau giai đoạn vật lộn vì Covid-19.

Cụ thể, trong quý IV/2022, công ty đạt 12,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, trong khi đó lại giảm 11,4% còn 6,2 tỷ đồng. Trong kỳ công ty ghi nhận lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 6,7 tỷ đồng, đảo ngược từ mức lỗ hơn 1 tỷ đồng hồi cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trở lại trạng thái "bình thường cũ", chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 55,6% và 55,2% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 4,4 tỷ đồng. Lợi nhuận kế toán trước thuế và sau thuế đều đạt 4,5 tỷ đồng (không phát sinh số nộp thuế).

Du lịch Dầu khí Phương Đông cho biết, biến động lãi cuối năm 2022 xuất phát từ việc vào quý IV/2021, công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 khiến doanh thu khách sạn sụt giảm mạnh. Quý IV/2022, đơn vị phục hồi sau đại dịch, doanh thu tăng mạnh (tăng gần 7 tỷ đồng tương ứng tăng 115%) so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế chuyển từ lỗ 2,4 tỷ đồng trong quý IV/2021 sang lãi 3,6 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp của đại gia Lê Thanh Thản thu về 49,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 134% so với năm 2021, lãi sau thuế 7,7 tỷ đồng so với mức thua lỗ 14,8 tỷ đồng trong năm 2021.

Mặc dù có lãi trong năm 2022 song tính đến thời điểm 31/12/2022, Du lịch Dầu khí Phương Đông vẫn còn lỗ lũy kế 38,5 tỷ đồng.

Du lịch Dầu khí Phương Đông là doanh nghiệp do "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Tiền thân của công ty này là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1994 theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An có tên Khách sạn Phượng Hoàng. Ngày 18/6/1996, đơn vị này được đổi tên thành Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông.

Đến tháng 2/2007, được sự phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiếp nhận Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông về làm đơn vị thành viên và đổi tên thành Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông.

Ngày 21/1/2008, Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thành lập và đổi tên thành Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông. Ngày 29/9/2009 cổ phiếu của công ty với mã chứng khoán PDC chính thức giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Năm 2011, toàn bộ phần vốn Du lịch Dầu khí Phương Đông thuộc sở hữu của PVN được chuyển giao sang nhóm cổ đông Ocean Group, song kết quả kinh doanh không mấy hiệu quả. Đến giữa năm 2015, sau những biến cố lớn tại Ocean Group (liên quan tới đại gia Hà Văn Thắm), Du lịch Dầu khí Phương Đông một lần nữa đổi chủ, người tiếp quản không ai khác chính là "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, ông chủ Tập đoàn Mường Thanh.

Phạm vi lĩnh vực hoạt động của Du lịch Dầu khí Phương Đông khá đa dạng. Bên cạnh kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng thì công ty còn kinh doanh bất động sản; đại lý, mua bán phân bón, xăng dầu và các sản phẩm xăng dầu…

Điểm nhấn của doanh nghiệp này chính là việc sở hữu Khách sạn Phương Đông, một trong những khách sạn lớn nhất nhì tỉnh Nghệ An, tọa lạc ngay trung tâm Thành phố Vinh. Sau khi về tay "đại gia điếu cày", khách sạn Phương Đông đổi tên thành Mường Thanh Grand Phương Đông. Ngoài ra, Du lịch Dầu khí Phương Đông từng hợp tác với Ocean Group để phát triển dự án Khách sạn Cửa Đông và sau khi phía Mường Thanh thâu tóm thì khách sạn này cũng đổi tên thành Mường Thanh Grand Cửa Đông.

Tuy vậy, hiệu quả kinh doanh của Du lịch Dầu khí Phương Đông không mấy ấn tượng. Chuyển mình sau khi về tay chủ mới, nhưng sau đó, công ty lại cho thấy sự sa sút trong những năm gần đây.

Theo báo cáo quản trị công ty năm 2022 vừa được doanh nghiệp này công bố, tại ngày 31/12/2022, ông Lê Thanh Thản đang năm 3 triệu cổ phiếu PDC, chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ công ty. Con gái ông Thản là bà Lê Thị Hoàng Yến với vai trò Thành viên HĐQT đang sở hữu 1,4 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 9,37% vốn điều lệ. Ông Đỗ Trung Kiên - con rể ông Thản và là chồng bà Lê Thị Hoàng Yến sở hữu 2,85 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 19% vốn điều lệ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PDC niêm yết trên HNX, đóng cửa phiên 27/1 ở mức giá 4.600 đồng, tăng 2,22%. Trong năm 2022, cổ phiếu PDC từng có thời điểm tăng mạnh lên vùng đỉnh 26.600 đồng ngày 9/3/2022 trước khi lao xuống đáy 3.900 đồng phiên 16/11/2022 (tương ứng mất 85,3%).