Khách sạn nổi huyền thoại của Sài Gòn trôi dạt sang Triều Tiên
(Dân trí) - Từng là một địa điểm nghỉ ngơi độc đáo tại trung tâm TP.HCM những năm 1990, khách sạn nổi Sài Gòn nay đã trôi dạt sang tận Triều Tiên, theo những cơn sóng của khủng hoảng kinh tế và thách thức cạnh tranh.
Quá khứ huy hoàng
Có tên gốc là “Khách sạn nổi bãi san hô John Brewer”, công trình do Singapore chế tạo này từng là một trong những khách sạn được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất thế giới. Địa điểm ban đầu của nó tại bãi san hô Great Barrier đồng nghĩa với một công trình tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường.
Toàn bộ phần sơn được sử dụng trên phần vỏ đều không được phép chứa chất độc hại, và khách sạn cũng càng không thải ra chất thải như những con tàu viễn dương bình thường. Được hạ thủy năm 1988, khách sạn thân thiện với môi trường này có những tiện nghi rất cao cấp, từ quán bar, sân tennis tới bể bơi nước ngọt, phòng thể dục cùng 200 phòng ngủ tiêu chuẩn 5 sao.
Và trước sự thờ ơ của du khách, chỉ một năm sau, khách sạn nổi được sang tay cho công ty EIE Development của Nhật và năm 1989 được kéo về TP.HCM.
Được đổi tên là khách sạn Sài Gòn, công trình này nhanh chóng trở thành một trong những địa điểm nghỉ ngơi xa xỉ và hút khách bậc nhất tại thành phố lúc bấy giờ, khi được đặt ngay tại trung tâm quận 1, trên bến Bạch Đằng. Để nghỉ ngơi mỗi đêm tại đây, các lữ khách sẽ phải trả mức giá cao ngất ngưởng, tương đương 335 USD/đêm hiện nay.
Trong những ngày cực thịnh, chủ khách sạn đã phải bổ sung thêm 2 quán bar mới đủ đáp ứng nhu cầu tới đây giải trí của khách hàng.
Tuy vậy, sau 7 năm kinh doanh, trước sự phát triển chóng mặt của các công trình khách sạn cao cấp khác trong thành phố, khách sạn nổi dần mất ưu thế cạnh tranh. Không thể sinh lời, công trình này bị kéo khỏi trung tâm thành phố và bỏ không suốt 2 năm.
Trôi dạt sang Triều Tiên
Sau khi khoác lên bộ cánh mới, khách sạn Sài Gòn cũng được đổi tên thành khách sạn Haekumgang, và được kéo về thành phố cảng Changjon tại Triều Tiên. Năm 2000, công trình này mở cửa trở lại đúng giai đoạn dự án khu du lịch Kumgang tăng tốc.
Đây chính là khoản đầu tư chiến lược của Hyundai Asan, bởi tập đoàn này luôn lo ngại về môi trường kinh doanh khó lường tại Triều Tiên. Thay vì bỏ tiền xây dựng một khách sạn trên mặt đất, việc mua lại khách sạn nổi và kéo về Triều Tiên sẽ kinh tế hơn nhiều.
“Lý do đằng sau thương vụ này có khả năng là do đây là giải pháp tốt thay thế cho việc phải bắt tay xây dựng một công trình lớn từ đầu”, người phát ngôn của Hyundai Asan Park Seong Wook tiết lộ.
Dù vậy tập đoàn này không gắn bó với chiến lược đầu tư thận trọng này được lâu. Trước thành công ngày một lớn của dự án cùng niềm tin nhà đầu tư tăng lên, tập đoàn này quyết định rót vốn xây dựng một khu khách sạn kiêm sân golf tiêu chuẩn 7 sao tại Triều Tiên. Đáng buồn là chỉ vài tháng sau khi đưa công trình này vào khai thác, dự án du lịch phải đóng cửa do một du khách Hàn Quốc bị binh sỹ Triều Tiên bắn chết năm 2008. Hyundai Asan thua lỗ khoảng 1 tỷ USD.
“Tôi đã từng đi lại con thoi giữa Haekumgang và các điểm tham quan tại núi Kumgang”, Soomin Seo, một phóng viên từng 5 lần tới khu vực này khi còn là phóng viên, giai đoạn 2000 – 2004 cho biết. “Tôi thích ở trên khách sạn nổi do nó khá hiện đại và tiện nghi so với những khách sạn trên đất liền tại Triều Tiên, vốn có hệ thống ống nước kém tin cậy và thỉnh thoảng lại mất điện”.
Sau 8 năm được khai thác, từ 2008 đến nay, Haekumgang lại bị bỏ không dù còn trong tình trạng tương đối tốt.
“Tôi cùng các nhân viên công ty đã tới khảo sát nơi đó cách đây không lâu, và nó còn trong tình trạng khá tốt. Tất nhiên phần sơn bên ngoài hơi bị bong tróc, nhưng bên trong còn nguyên vẹn, không có chỗ nào bị sờn, rách”, ông Park khẳng định.
Dù vậy thì Hyundai Asan có vẻ không còn mặt mà đến khoản đầu tư nhỏ này. Người phát ngôn của công ty khẳng định họ không có kế hoạch kéo nó rời khỏi Triều Tiên. Thay vào đó, họ sẽ để nó “ngủ” lại đây và chờ tới thời điểm hoạt động du lịch được nối lại.
Theo NKnews