1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khách sạn Kim Liên: Ngồi trên "đất vàng" vẫn gánh lỗ triệu đô

(Dân trí) - Mặc dù có lợi thế đắc địa là nằm trên khu "đất vàng” rộng 3,5 ha nhưng tổ hợp Khách sạn Kim Liên năm 2015 vẫn báo lỗ sau nhiều năm kim doanh lao dốc, vốn chủ sở hữu “bốc hơi” 1/3.

Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên (KLH) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 với doanh thu khiêm tốn gần 125 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ thì giá vốn hàng bán cũng “đội” lên đáng kể khiến lợi nhuận gộp giảm còn hơn 33 tỷ đồng.

Đáng chú ý là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2015 của KLH tăng đột biến gấp gần 3 lần so với năm 2014, từ 22 tỷ đồng lên hơn 60 tỷ đồng.

Trong khi đó, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh khác không đáng kể khiến cả năm 2015, doanh nghiệp “thu không đủ bù chi” và ngậm ngùi báo lỗ 25,6 tỷ đồng, tương ứng mỗi cổ phiếu chịu lỗ 3.681 đồng.


Nằm trên khu đất vàng ở nội đô Hà Nội nhưng những năm vừa qua, Khách sạn Kim Liên không tận dụng được lợi thế đắc địa của mình.

Nằm trên khu đất "vàng" ở nội đô Hà Nội nhưng những năm vừa qua, Khách sạn Kim Liên không tận dụng được lợi thế đắc địa của mình.

Kể từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2009, lợi nhuận của KLH ngày càng giảm và năm 2015 là năm đầu tiên công ty báo lỗ. Vốn chủ sở hữu cũng “bốc hơi” 1/3 còn 49 tỷ đồng.

Do lợi nhuận lũy kế âm nên gần như chắc chắn cổ đông của KLH sẽ không được nhận cổ tức năm 2015 như dự kiến ban đầu là tối thiểu 15%. Các năm trước đó, công ty dành gần như toàn bộ lợi nhuận hàng năm cho chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Cụ thể, tỷ lệ cổ tức năm 2012 là 22%, 2013 là 17% và 2014 là 16%.

Do yêu cầu của cổ đông lớn SCIC là chi trả cổ tức tiền mặt nên với việc “làm đồng nào chia đồng nấy”, khu tổ hợp Khách sạn Kim Liên nhiều năm không được tái đầu tư, nâng cấp. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, cộng với tiền thuê đất khá cao khiến nguy cơ kinh doanh bết bát vào những năm sắp tới khá hiện hữu nếu không có những thay đổi đáng kể.

Ngoài ra, với 433 phòng khai thác, nhưng có tới hơn 400 lao động, năng lực nghiệp vụ thiếu chuyên nghiệp, độ tuổi trung bình cao (40 tuổi), gánh nặng trả lương và chế độ cho người lao động của KLH là rất lớn, so với hiệu quả kinh doanh của công ty này. Nhiều cổ đông đã than thở về tình trạng “gửi gắm” trong số những người lao động tại công ty.

Tổ hợp khách sạn Kim Liên nằm trên khu đất “vàng” rộng 3,5 ha trên phố Đào Duy Anh, với 9 toà nhà gồm 433 phòng và 5 nhà hàng. Hoạt động kinh doanh khách sạn và nhà hàng đóng góp tỷ trọng tương tự nhau và chiếm tới hơn 90% doanh thu của KLH.

KLH được thuê khu đất tại vị trí đắc địa này từ năm 1993, với thời hạn 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm. Tiền thuê đất không được công bố cụ thể nhưng đây một trong những nguyên nhân được lãnh đạo KLH đưa ra đầu tiên để giải thích cho việc lợi nhuận ngày càng sụt giảm, bên cạnh việc đội ngũ nhân viên vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn và việc vận hành kinh doanh còn nhiều hạn chế.

Mới đây, vào cuối năm 2015, thương vụ đấu giá trọn lô hơn 52% cổ phần tại KLH của SCIC đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi tham gia như Cơ điện lạnh (REE), Văn Phú – Invest, GP Invest… Mức giá trúng thầu cuối cùng lên tới 274.200 đồng/cổ phần, gấp hơn 7,4 lần mức giá chào thầu thuộc về ThaiGroup của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy).

Mới đây bầu Thụy đã ký hợp tác với tập đoàn khách sạn Hyatt để đưa thương hiệu này về Hà Nội, tham vọng tiến sâu vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, ngoài các lĩnh vực truyền thống như xi măng, thủy điện, khai thác mỏ, phân bón, bảo hiểm, giáo dục...

Với vai trò là cổ đông lớn nhất của KLH, chưa hiểu bầu Thụy sẽ làm gì để chặn được đà “đổ dốc” của khách sạn Kim Liên như hiện nay?

Bích Diệp

Khách sạn Kim Liên: Ngồi trên "đất vàng" vẫn gánh lỗ triệu đô - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm