Khách có tiền mới dám ăn 2 miếng sườn, hàng cơm than thở mất 50 triệu đồng/tháng vì thịt lợn
(Dân trí) - Câu chuyện giá thịt lợn tăng đang gây khó khăn cho nhiều cho đơn vị kinh doanh. Thế nhưng, dù tăng giá hay bớt khẩu phần thì vẫn phải nhập thịt lợn. Không ít cửa hàng đã mất gấp đôi chi phí chỉ để mua thịt.
Hằng ngày, anh Nguyễn Xuân Thanh (Hà Nội) kết thúc công việc tại công trường vào lúc 12 giờ trưa và di chuyển ra quán cơm để ăn. Các món ăn trưa ưa thích của anh Thanh luôn là sườn xào chua ngọt, thịt quay hoặc thịt chân giò luộc.
Thế nhưng, từ khi thịt lợn tăng giá “khủng khiếp”, anh Thanh đã phải hạn chế các món ăn đó lại. Thay vào đó, anh chỉ dám gọi các món như cá, tôm, trứng để khẩu phần ăn thêm đầy đặn.
“Nếu hôm nào muốn cải thiện, tôi sẽ phải bỏ ra thêm 10 nghìn đồng nữa để được ăn thêm một miếng sườn. Suất cơm cũng vì thế mà bị đẩy giá lên tới 40 nghìn đồng”, anh Thanh nói.
Thấy khách ăn rụt rè gọi món, chị H.V. chủ một quán cơm bình dân ở Hà Nội cũng không khỏi áy náy. Thế nhưng, đang lúc cao điểm của giá thịt lợn, chị V cũng chỉ biết thêm cho khách ít rau, hỏi han xem khách ăn vừa miệng hay không.
Chia sẻ với Dân Trí, chị V cho biết: “Trước đây, món sườn xào chua ngọt tôi làm khách nào đến sớm mới được ăn vì hết rất nhanh, chỉ 5 nghìn đồng/miếng đã chế biến. Nhưng bây giờ, sườn mua về chặt sống đã 7 nghìn đồng/miếng. Khách nào thu nhập tốt mới dám gọi 2 miếng để ăn.”
Khi thịt lợn chưa vào thời bão giá, chị V không cân đo đong đếm từng miếng sườn. Nhưng hiện tại, chị V không tính thì không được. Bởi theo chị, thời điểm này, một suất cơm 30 nghìn đồng thì chỉ được 4 miếng thịt kho, thêm 1 chút rau xào và cơm đã không có lãi.
Do 4 miếng thịt đã nặng khoảng 1 lạng, tính ra giá thị trường là 17 nghìn đồng. Nếu thêm công chế biến là 20 nghìn đồng. Số tiền 10 nghìn đồng còn lại bao gồm cơm, canh, rau xào.
Lãi ít, lại sợ mất khách, nhưng chị V không dám bỏ các món thịt lợn mà chỉ nhập ít đi và tăng các món như tôm, cá. Thế nhưng, do nhiều người không thích ăn tôm, cá để nguội nên các món như thịt lợn vẫn luôn hết trước.
Dù không muốn nhập nhiều, nhưng do nhu cầu của khách nên chị V vẫn làm. Cũng vì thế, thời điểm chưa bão giá, mỗi tháng chị V chỉ mất 50 triệu đồng tiền thịt lợn, mà nay phải bỏ ra tới hơn 100 triệu đồng.
Thế nhưng, dù tăng giá món ăn, chị V vẫn lỗ 15 triệu đồng/tháng chỉ riêng với thịt lợn. Đó là chưa kể, thời điểm này giá của nhiều đầu vào như dầu ăn, gas cũng tăng từ 200 - 400 nghìn đồng so với trước.
Không riêng các hàng cơm bình dân, các quán bún chả nướng, bún mọc, bún móng giò,...không tăng giá cũng phải bớt khẩu phần ăn của khách để đảm bảo lợi nhuận.
Khó khăn đang bủa vây người dân và các hộ kinh doanh. Nếu tính trạng này kéo dài đến Tết âm lịch sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân.
Thế Hưng