"Khả năng Eximbank sẽ thoái vốn tại Sacombank"
(Dân trí) - Qua phiên làm việc với Sacombank, ACBS cho biết, rất có khả năng Eximbank sẽ thoái vốn khỏi Sacombank, ông Phạm Hữu Phú - đại diện của Eximbank tại Sacombank, sẽ rời khỏi vị trí hiện nay và Sacombank sẽ có Chủ tịch HĐQT mới từ cuối tháng 3 này.
Hồi tháng 1/2013, Sacombank và Eximbank từng tính sáp nhập trong vòng 3-5 năm tới.
Trong bản tin hỗ trợ nhà đầu tư mới công bố, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, đã có buổi làm việc với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và đề cập đến khả năng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ thoái vốn tại Sacombank.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo đó, hiện Sacombank và Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) vẫn đang thảo luận về kế hoạch sáp nhập. Nếu suôn sẻ, Sacombank dự kiến thương vụ này sẽ hoàn thành vào mùa hè năm nay.
Khi đặt câu hỏi với Sacombank về việc làm thế nào thuyết phục các cổ đông chấp nhận kế hoạch sáp nhập trên, Sacombank đã đưa ra 2 lý do: thứ nhất, sáp nhập với Southern Bank sẽ giúp Sacombank nhanh chóng mở rộng mạng lưới; thứ hai, liên quan đến vấn đề nợ xấu, việc đưa ra một kế hoạch khả thi để giải quyết nợ xấu (tính “khả thi” sẽ được đánh giá bởi Ngân hàng Nhà nước) là yêu cầu bắt buộc cho Southern Bank để xúc tiến giao dịch này.
Qua buổi làm việc trên, ACBS còn cho biết thêm, về phần sở hữu 10% của Eximbank, rất có khả năng là Eximbank sẽ thoái vốn tại Sacombank. "Ông Phú, đại diện của Eximbank tại Sacombank, sẽ rời khỏi vị trí hiện nay và Sacombank sẽ có Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới từ cuối tháng 3 này" - bản tin của ACBS lưu ý.
Cần lưu ý rằng, hồi tháng 1 năm ngoái, Eximbank và Sacombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, có hiệu lực trong vòng 5 năm, trong đó có nội dung “hai bên sẽ nghiên cứu, xem xét trình đại hội đồng cổ đông và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sáp nhập trong vòng từ 3 đến 5 năm tới nhằm nâng cao thế mạnh, mở rộng thị phần, tăng cường sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh”.
Sacombank xác nhận rằng, UOB (ngân hàng Singapore) không có bất kỳ liên lạc gì với ngân hàng từ trước đến nay. Thay vào đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang cho thấy sự quan tâm đến Sacombank ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề chưa chắc chắn quanh thương vụ này, các nhà đầu tư này vẫn chưa thể hiện bất kỳ ý định rõ ràng nào.
Sacombank cũng công bố một số cập nhật về kết quả hoạt động hiện tại. Cụ thể, tính đến cuối Q2/2014, tăng trưởng tín dụng là 1% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,44%. Trong năm 2013, ngân hàng đã bán khoảng 600 tỷ đồng nợ vay cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) và ngược lại nhận được 400 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Do đề án sáp nhập vẫn chưa hoàn thành, triển vọng tương lai của Sacombank sau sáp nhập với Phương Nam không thể được mô tả chính xác tại thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ACBS, tại thời điểm hiện tại, không có quá nhiều phương án xử lý nợ xấu cho các ngân hàng lựa chọn (trích lập vào chi phí dự phòng là giải pháp khả thi nhất hiện tại).
"Như vậy, có thể nói, nhận Phương Nam đồng nghĩa rằng Sacombank sẽ tạo áp lực lên việc tạo dòng tiền trong tương lai. Dòng tiền này phải đủ để tài trợ cho việc xử lý nợ xấu của Phương Nam. Khả năng hiện tại của Sacombank liệu có đủ đáp ứng yêu cầu này?" - ACBS đặt câu hỏi.
Bản tin này cũng chỉ ra rằng, kịch bản tồi tệ hơn và có thể là tồi tệ nhất là sau khi sáp nhập Sacombank trì hoãn thực hiện việc trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn khá mềm mỏng đối với việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nhưng càng mềm mỏng thì chất lượng tài sản lại càng đáng đặt câu hỏi, và hậu quả khả dĩ là sức hấp dẫn của Sacombank trước các nhà đầu tư Nhật Bản và các nhà đầu tư chiến lược mới khác sẽ giảm đi. Do đó, ACBS đánh giá việc sáp nhập với Phương Nam như là một điểm trừ cho cổ phiếu Sacombank, ít nhất là trong ngắn hạn.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/3, cổ phiếu STB của Sacombank mất 0,5% còn 20.400 đồng/cp.
Bích Diệp