Kẹt vốn xây bảo tàng 11 ngàn tỷ đồng, Bộ Xây dựng kêu khó lên Thủ tướng

(Dân trí) - Kể từ năm 2014 đến nay, Dự án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phải giãn tiến độ mặc dù đã có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với lý do chính là...thiếu tiền. Vì việc này, Bộ Xây dựng vừa gửi công văn kêu khó lên Thủ tướng Chính phủ.

Phải đến năm 2017, Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới bắt đầu triển khai thực hiện. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư và một số nội dung công việc thuộc giai đoạn thực hiện đầu tư, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng.

Ảnh Vietnamnet
Ảnh Vietnamnet

Do việc bố trí nguồn vốn gặp khó khăn, Dự án đã nhiều lần phải giãn tiến độ, kể từ năm 2014 đến nay. Đế tháo gỡ khó khăn cho dự án, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Việc đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là chủ trương của Đảng, Chính phủ từ năm 2005 nhằm lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước”.

Vì thế, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kinh phí chuẩn bị đầu tư năm 2015 cho Dự án. Giao Bộ Xây dựng chuẩn bị kế hoạch vốn cho giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mực kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu khởi công dự án vào năm 2021, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024”.

Mặc dù các Bộ có liên quan đã nhiều lần có kiến nghị, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016 – 2020 vẫn không được bố trí.

Các Ban quản lý dự án (bao gồm cả Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động và chi trả tiền lương và Bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.

Ngay cả kinh phí để thanh toán cho các nhà thầu cũng không có theo cam kết của hợp đồng (trong đó có hợp đồng với Công ty Nikken – Sekkei, Nhật Bản) cũng như triển khai công tác khác của Dự án. Để sẵn sàng khởi công Dự án vào năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015.

Trước những khó khăn đó, Bộ Xây Dựng kiến nghị 2 ý kiến để tháo gỡ vướng mắc, đầu tiên là, kiện toàn và tổ chức họp Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng bảo tàng Lịch sử Quốc gia để nghe các Bộ có liên quan báo cáo tình hình thực hiện cụ thể và chỉ đạo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ 2 là, chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015 về Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Thế Hưng