1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kết nối, chia sẻ để chuyển dịch năng lượng bình đẳng

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Ngày 25/4, sự kiện "Đối thoại với đại diện khu vực tư nhân về cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam" đã được tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) phối hợp Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức. Với chủ đề phát triển hệ thống điện thân thiện với môi trường và an toàn, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều quan điểm và nhu cầu cần hỗ trợ để các bên cùng thảo luận.

Cơ hội phát triển bình đẳng trong chuyển dịch năng lượng 

Chương trình có sự tham gia của các cơ quan khối nhà nước như Tổng công ty Truyền tải Điện Việt Nam (ENVNPT), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đại diện khu vực tư nhân là các doanh nghiệp tư vấn, đầu tư thuộc lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, hydrogen xanh như Syntegra, Ecoligo, Thuan Binh Wind Farm, PNE AG, TGS, Ami Energy. Đối thoại bàn tròn này được coi là hoạt động chuẩn bị cho bước tiếp theo của tiến trình hợp tác Đức - Việt trong khuôn khổ "Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng bình đẳng" (JETP). 

Kết nối, chia sẻ để chuyển dịch năng lượng bình đẳng - 1
Các đại biểu tham dự tại sự kiện (Ảnh: GIZ).

Phát biểu tại sự kiện, Vụ trưởng Vụ Đông Á và Đông Nam Á của BMZ, ông Andreas Förster đánh giá cao sự phát triển năng động của ngành năng lượng Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là sự gia tăng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Ông nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân trong việc cùng nhau lên tiếng về sự cần thiết của một khung chính sách mang tính hỗ trợ và dài hạn, để tăng cường sự đảm bảo cho các quy hoạch đầu tư cũng như tính khả thi về mặt kinh tế của các dự án năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng trong tương lai.

Doanh nghiệp năng lượng tái tạo cần khung chính sách hỗ trợ nhiều hơn

Tham gia sự kiện đối thoại lần này, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đã cùng chia sẻ trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở về cơ hội và thách thức trong phát triển điện gió, điện mặt trời, sản xuất hydro xanh và xây dựng hệ thống truyền tải điện. 

Các đại biểu cùng phân tích, nhận diện một số vấn đề chính cần được quan tâm, hỗ trợ trong phát triển năng lượng tái tạo như: chính sách, nguồn tài chính, đào tạo nguồn lực con người với trình độ chuyên môn cao và các hoạt động thúc đẩy tương tác công - tư trong chuyển dịch năng lượng. 

Ông Vũ Trần Nguyễn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) - chia sẻ: "Chủ trương của Việt Nam là xã hội hóa lưới truyền tải điện. Tôi cho đây là một chủ trương đúng đắn để thu hút các nguồn đầu tư, nguồn lực để cùng đẩy nhanh quá trình hoàn thiện lưới truyền tải điện, đáp ứng xu hướng tăng cường phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Trong Tổng sơ đồ 8 Bộ Công thương đang trình Thủ tướng, giai đoạn 2021-2030, sẽ cần đầu tư mới 36.000km đường dây với chi phí khoảng 13 tỷ đô la. Nhu cầu quan trọng nhất của chúng tôi chính là nhu cầu về vốn". 

Ông Bùi Văn Sơn, đại diện AMI Renewables, nêu lên nhu cầu hỗ trợ về công nghệ. Ông cho biết, AMI Renewables là doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam rất sớm. Năm 2012, trong chương trình hợp tác của Cộng hòa Liên bang Đức và Bộ Công Thương Việt Nam thông qua tổ chức GIZ, AMI Renewables đã đặt trụ đo gió đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình.

Với 1/10 trụ đo gió được đánh giá cao về tiềm năng, AMI đã triển khai thành công nhà máy điện gió 252MW có quy mô lớn nhất trên đất liền tại miền Trung và đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2021. Chiến lược tiếp theo của AMI là các dự án điện gió ngoài khơi với mục tiêu cung cấp nguồn năng lượng tái tạo cho khách hàng lân cận như: khu công nghiệp Hòn La, Formosa Hà Tĩnh và trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch.

"Tuy nhiên, công nghệ và thiết bị phát triển điện gió ngoài khơi hoàn toàn mới so với điện gió trên đất liền. Chúng tôi mong có sự hỗ trợ của chính phủ Đức để doanh nghiệp có bước nghiên cứu khả thi và tiến tới triển khai thành công dự án trong tương lai không xa", ông Sơn nói.

Kết nối, chia sẻ để chuyển dịch năng lượng bình đẳng - 2
Dự án điện gió tại Cần Thơ (Ảnh: GIZ).

GIZ - cầu nối hợp tác chuyển đổi năng lượng

Trong 10 năm qua, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ - thay mặt Chính phủ Đức - đã và đang hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và các đơn vị phát triển dự án trong việc phát triển thị trường năng lượng bền vững tại Việt Nam. 

Ông Esteban Salinas - Cán bộ chính sách cấp cao phụ trách Việt Nam của BMZ - khẳng định: "Chúng tôi có mặt tại đây để tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc mà khu vực tư nhân đang gặp phải hiện nay, và lắng nghe những giải pháp mà họ đề xuất. Quan trọng hơn nữa, chúng tôi thảo luận về các biện pháp để có thể hỗ trợ thực hiện "Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng bình đẳng" (JETP) một cách phù hợp cho Việt Nam trong tương lai". 

Kết nối, chia sẻ để chuyển dịch năng lượng bình đẳng - 3
Toàn cảnh sự kiện (Ảnh: GIZ).

Theo ông Hùng Albert - Giám đốc Công ty Enercon: "Đối thoại bàn tròn với doanh nghiệp tư nhân về chuyển đổi năng lượng bình đẳng có ý nghĩa rất quan trọng vì đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngồi lại, chia sẻ để tháo gỡ khó khăn đồng thời có thêm thuận lợi để thực hiện các dự án của mình. Tôi cho rằng GIZ đã làm rất tốt vai trò là cầu nối Đức - Việt để thực hiện các chương trình năng lượng tái tạo hiệu quả hơn".