Kế hoạch mới của Trung Quốc: Đối mặt với một thế giới thù địch hơn
(Dân trí) - Khi Trung Quốc chuẩn bị kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của mình, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu liên kết với nhà nước Trung Quốc đã dự đoán về một tình huống toàn cầu thù địch hơn.
Theo báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) được đăng trong một bài báo mới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thế giới ngày càng thù địch hơn trong 5 năm tới. Điều đó có nghĩa là kế hoạch chính sách của họ nên tập trung vào thị trường nội địa rộng lớn, đổi mới công nghệ trong nước và cải thiện phúc lợi của công dân.
Báo cáo của CASS, một nhóm chuyên gia cố vấn liên kết với Hội đồng Nhà nước dự đoán, 5 năm tiếp theo sẽ xuất hiện những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ đối với Trung Quốc, trò chơi chiến lược giữa các siêu cường trên thế giới đã tăng cường, trong khi các đơn đặt hàng và hệ thống quốc tế được cải tổ lại.
Mặc dù báo cáo không đề cập cụ thể đến virus corona nhưng các khuyến nghị trong báo cáo cho thấy, Trung Quốc nên tự chủ hơn để đối phó với đại dịch. Quan điểm này thể hiện một mặt trong cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà hoạch định chính sách với các học giả ở Trung Quốc về kế hoạch 5 năm tới – điều sẽ diễn ra vào năm sau.
Từ năm 2021 đến năm 2025, nền kinh tế toàn cầu hóa – yếu tố giúp Trung Quốc phát triển thành một cường quốc kinh tế sẽ hoàn toàn khác biệt, điều này có nghĩa là quốc gia này buộc phải thích nghi nếu muốn tiếp tục phát triển mạnh.
Trước những bất lợi ngày càng nổi bật của toàn cầu hóa kinh tế, một phần của làn sóng nghiên cứu sơ bộ đã đưa ra lời khuyên cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, một kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới công bố kế hoạch chính sách 5 năm và đã thực hiện từ năm 1953. Các kế hoạch riêng của Trung Quốc là các hướng dẫn chiến lược rộng lớn.
Hiện nay, Trung Quốc đang ở năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Kế hoạch thứ 14 dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm 2021, nhưng việc cân nhắc các thách thức và các lựa chọn chính sách đang được tiến hành giữa các học giả và các quan chức kế hoạch nhà nước.
Cuộc tranh luận này dự kiến sẽ là nội dung nổi bật trong các cuộc họp sắp tới của Đại hội tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc, dự kiến họp tại Bắc Kinh vào ngày 21/5 và Đại hội nhân dân toàn quốc, sẽ bắt đầu họp vào một ngày sau đó.
Một điểm chung trong cuộc tranh luận này là những bài học trong vài năm qua đã cho thấy Trung Quốc cần phải tự chủ hơn. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự cạnh tranh siêu cường đang gia tăng đã khiến nhiều người nghĩ rằng Bắc Kinh không còn có thể dựa vào thiện chí của các đối tác thương mại để tiếp tục mở rộng vị thế của mình như trước đây họ vẫn từng làm.
Các nhà nghiên cứu của CASS cho rằng, Trung Quốc nên “gắn bó với hướng phát triển của mình và tập trung làm tốt mọi việc của mình.”
Trung Quốc hiện đã có một nhóm từ 500 đến 700 triệu người có mức thu nhập ổn định và đó chính là lợi thế lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải cố gắng giải quyết một điểm yếu lớn, cụ thể là sự tăng trưởng không cân bằng, bao gồm cả vấn đề khoảng cách giàu nghèo đang mở rộng hơn giữa các tầng lớp thành thị và nông thôn.
Về đổi mới, các nhà nghiên cứu đứng đầu là ông Huang Qunhui cho biết: Trung Quốc nên phụ thuộc ít hơn vào các công nghệ nước ngoài. Năng lực đổi mới của Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với các nước phát triển. Đột phá trong các công nghệ cốt lõi đang là nhu cầu cấp bách của đất nước.
Kế hoạch “Made in China 2025”, được công bố vào năm 2015, chính là lời tuyên bố tham vọng của Bắc Kinh nhằm thống trị công nghệ thế giới trong tương lai như robot và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sau những lời phàn nàn lớn từ Liên minh Châu Âu và Mỹ, Trung Quốc đã buộc phải giảm bớt những mục tiêu đổi mới táo bạo như vậy.
Thùy Dung
Theo SCMP